Bí quyết tiết kiệm tiền hiệu quả của người Nhật: Đơn giản nhưng hiệu quả

Người Nhật từ lâu được biết đến với khả năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, trong đó các phương pháp tiết kiệm tiền mang tính ứng dụng cao, góp phần tạo nên lối sống kỷ luật và tự chủ về tài chính.

Kakeibo – sổ tay chi tiêu truyền thống

Kakeibo, có nghĩa là “sổ chi tiêu tài chính”, là phương pháp ghi chép thủ công được người Nhật sử dụng để theo dõi thu nhập và chi tiêu hằng tháng. Ra đời từ năm 1904 bởi nhà báo Motoko Hani, phương pháp này vẫn được duy trì rộng rãi cho đến nay như một công cụ giúp người dùng kiểm soát tài chính cá nhân.

Kakeibo vận hành theo một chu trình gồm 4 câu hỏi: Bạn có bao nhiêu tiền? Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu? Bạn sẽ tiêu bao nhiêu? Và làm thế nào để cải thiện chi tiêu? Các câu hỏi này giúp cá nhân xác định tình hình tài chính hiện tại, mục tiêu tiết kiệm và tìm ra giải pháp phù hợp. Việc ghi chép nên bắt đầu từ đầu tháng và tổng kết vào cuối tháng để có cái nhìn toàn diện.

Cách thực hiện Kakeibo khá đơn giản: chỉ cần một quyển sổ để ghi lại các khoản thu chi, đồng thời trả lời chính xác 4 câu hỏi trên. Việc liệt kê càng chi tiết sẽ càng giúp quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Konmari – tiết kiệm từ việc dọn dẹp

Lấy cảm hứng từ chuyên gia nội thất Marie Kondo, phương pháp Konmari không chỉ giúp dọn dẹp không gian sống mà còn góp phần tiết kiệm tiền. Người Nhật áp dụng nguyên tắc “chỉ giữ lại những vật dụng mang lại niềm vui” và loại bỏ những thứ không cần thiết.

Thực hiện phương pháp này bắt đầu bằng việc phân loại đồ dùng theo nhóm – như quần áo, sách vở, giày dép – sau đó quyết định giữ lại hay bỏ đi dựa trên mức độ cần thiết và tần suất sử dụng. Việc sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng cũng giúp tránh việc mua sắm trùng lặp, từ đó giảm chi tiêu không cần thiết.

Rèn thói quen tiết kiệm cho trẻ từ sớm

Người Nhật tin rằng việc dạy trẻ tiết kiệm từ nhỏ sẽ giúp hình thành tư duy tài chính vững chắc. Trẻ được giao tiền tiêu vặt hàng tuần hoặc hàng tháng để tự lên kế hoạch chi tiêu, qua đó học cách phân bổ ngân sách, dành dụm cho những mục tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, phụ huynh còn mở sổ tiết kiệm ngân hàng cho con hoặc khuyến khích trẻ bỏ tiền vào lợn tiết kiệm. Những hình thức này không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen tích lũy mà còn nhận được sự khích lệ từ người thân và lợi ích tài chính từ ngân hàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất

Văn hóa tiết kiệm của người Nhật thể hiện rõ trong sinh hoạt hằng ngày. Họ ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện để giảm chi phí di chuyển và tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, các biện pháp như hạn chế sử dụng điện nước, tiết kiệm trong ăn uống và mua sắm nhu yếu phẩm cũng được áp dụng rộng rãi.

Gửi tiết kiệm ngân hàng – lựa chọn phổ biến

Gửi tiền vào ngân hàng là hình thức tiết kiệm phổ biến tại Nhật, với tỷ lệ tiết kiệm lên tới 17-20% thu nhập – thuộc hàng cao nhất thế giới. Thói quen này không chỉ giúp người dân đảm bảo tài chính cá nhân mà còn tạo nguồn vốn lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Việc ưu tiên tiết kiệm và chi tiêu hợp lý đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tài chính của người Nhật, góp phần xây dựng lối sống tự chủ và bền vững về mặt kinh tế.

Lê Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bi-quyet-tiet-kiem-tien-hieu-qua-cua-nguoi-nhat-don-gian-nhung-hieu-qua-167194.html