Ứng phó với dịch bệnh liên cầu lợn

HNN - Ở Việt Nam, những người mắc bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường do ăn các món ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, cháo lòng, nem chua... Đây là những thực phẩm có nguy cơ cao, chứa vi khuẩn treptococcus suis (S. suis), tác nhân gây bệnh liên cầu lợn. Khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân cần cập nhật thêm thông tin về bệnh này để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

 Người mắc bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường do ăn các món ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, cháo lòng, nem chua... Ảnh: Bảo Phước

Người mắc bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường do ăn các món ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, cháo lòng, nem chua... Ảnh: Bảo Phước

Hiểu về bệnh liên cầu lợn

Liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S. suis) là loại vi khuẩn hiếu kỵ khí tùy tiện. S. Suis típ 2 có thể sống trong phân ở 00C sống đến 104 ngày và ở 22 - 250C sống được 8 ngày. Vi khuẩn S. suis có thể sống trong xác lợn chết ở nhiệt độ 400C trong 6 tuần và trong bụi không khí ở nhiệt độ 250C vi khuẩn này sẽ sống được 24 giờ. Vi khuẩn S. suis thường cư trú ở đường hô hấp trên của lợn, đặc biệt là tại xoang mũi, hạch hạnh nhân và cũng có thể ở đường tiêu hóa, đường sinh dục. Các loài động vật như lợn nhà, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim cũng có thể là nguồn mang mầm bệnh. S. suis có thể lây truyền trung gian qua gián, chuột, ruồi…

Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng khẳng định có sự lây truyền của vi khuẩn S. suis từ người sang người. Bệnh có tính địa phương. S. suis luôn sẵn có ở đường hô hấp trên, tuyến amidan và xoang mũi của lợn khỏe. Đường lây nhiễm chủ yếu qua miệng (ăn phải), mũi (hít vào), qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang trùng, qua vết thương, vật dụng, côn trùng... Bệnh liên cầu khuẩn lợn truyền bệnh sang người qua đường ăn uống; qua tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn và quá trình chăn nuôi lợn. Những người có các vết thương hở ngoài da, niêm mạc miệng bị viêm nhưng có tiếp xúc với máu, dịch tiết… của lợn thì rất dễ bị nhiễm bệnh liên cầu lợn. Người bình thường cũng có thể bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn lợn ô nhiễm trong không khí do lợn bị nhiễm liên cầu lợn ho, hắt hơi bắn ra. Vi khuẩn tăng sinh ở tuyến amidan và theo đường bạch huyết nhiễm khuẩn máu, vào não, khớp… S. suis vào máu chỉ sau vài giờ nhiễm và lợn chết chủ yếu do viêm màng não, suy đa phủ tạng, tổn thương màng nội mạc tim, mạch máu.

 Khi giết mổ lợn cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng các phương tiện phòng hộ

Khi giết mổ lợn cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng các phương tiện phòng hộ

Bệnh nhiễm liên cầu lợn có thời gian ủ bệnh ngắn, nhưng bệnh diễn biến rất nhanh dễ dẫn đến suy đa phủ tạng, nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhiễm liên cầu lợn biểu hiện dưới 2 thể lâm sàng chính: Viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Các biểu hiện khác có thể gặp, gồm: Xuất huyết dưới da, niêm mạc và nội tạng; ban xuất huyết hoại tử lan rộng và tắc mạch đầu chi; suy thận cấp; suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); nhiễm độc tiêu hóa (phân lỏng, đi ngoài nhiều lần/ngày); vàng da, gan to.

Hiện nay, Khoa Vi Sinh, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm nuôi cấy tìm vi khuẩn S. suis trong máu và dịch não tủy của người bệnh. Phương pháp nuôi cấy tìm vi khuẩn S. suis thường quy, định danh và làm kháng sinh đồ tự động để chẩn đoán và phát hiện sớm vi khuẩn S. suis phục vụ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho người bệnh kết quả chính xác và kịp thời.

Phòng bệnh hiệu quả

Người dân cần chủ động cập nhật các thông tin tuyên truyền của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên các phương tiện thông tin truyền thông để biết và chủ động phòng tránh bệnh nhiễm liên cầu lợn. Trong đó, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt lợn - điều rất quan trọng, trước khi ăn. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái như nem thịt, đặc biệt là tiết canh lợn, lòng lợn, cháo lòng… Những người có vết thương hở ở tay phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp người bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn, nếu nghi ngờ bị nhiễm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn… Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn không có giấy phép hành nghề. Không giết mổ, vận chuyển lợn nhiễm bệnh. Lợn ốm, chết phải được chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu hủy đúng quy định. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn khi lợn ốm, chết theo quy định.

Những người thường xuyên tiếp xúc với lợn cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn sau khi giết mổ lợn, sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân (găng tay, khẩu trang, ủng) khi xử lý lợn ốm, lợn chết.

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm do S. suis. “Vắc-xin” tốt nhất vẫn là ý thức phòng bệnh của mỗi người và mỗi gia đình.

TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/ung-pho-voi-dich-benh-lien-cau-lon-155576.html