Đánh cược tính mạng vì món ăn khoái khẩu
Nhiều ca nguy kịch do ăn tiết canh tiếp tục cho thấy nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, hoại tử, ngừng tim từ món ăn tưởng vô hại. Dù đã có nhiều khuyến cáo từ ngành y tế, tình trạng nhập viện do ăn tiết canh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Bệnh nhân nguy kịch vì ăn tiết canh được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. ảnh: BVCC.
Nguy kịch, tử vong vì bát tiết canh
Đầu tháng 7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh nguy kịch sau khi ăn tiết canh. Những trường hợp này không chỉ cảnh báo về thói quen ăn uống tiềm ẩn rủi ro, mà còn cho thấy sự chủ quan trong cộng đồng đối với món ăn được coi là “khoái khẩu” ở nhiều vùng miền.
Trường hợp đầu tiên là ông N.N.T. (63 tuổi, trú tại Hà Nội), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, tím tái toàn thân sau 3 ngày ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu tại một quán quen gần nhà. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ thể ông T. đã nổi nhiều ban tím ở đầu, mặt, cổ và tứ chi, kèm theo hiện tượng nổi vân tím, chi lạnh – biểu hiện rõ rệt của sốc nhiễm khuẩn. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân ngừng tim đột ngột và chỉ được cứu sống nhờ ê-kíp 4 bác sĩ luân phiên ép tim, hồi sức tích cực và sử dụng thuốc vận mạch khẩn cấp. Hiện ông T. đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang được theo dõi sát do nguy cơ diễn tiến nặng còn rất cao.
Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), đây là trường hợp điển hình nghi nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Loại vi khuẩn này thường lây từ lợn sang người qua đường tiêu hóa, niêm mạc hoặc các vết trầy xước khi tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh.
“Bệnh có thể khởi phát rất nhanh, từ những dấu hiệu nhẹ như sốt, mệt mỏi, đau đầu... tiến triển sang nhiễm khuẩn huyết, sốc, thậm chí tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời” – BS Hùng nhấn mạnh.
Một ca bệnh khác cũng trong tình trạng nguy kịch là nam bệnh nhân V.Đ.H. (30 tuổi, trú tại Hải Phòng), nhập viện chỉ 3 ngày sau khi ăn tiết canh lợn. Anh H. được người nhà phát hiện trong tình trạng lơ mơ, tiêu chảy kèm máu, toàn thân tím tái. Tại tuyến y tế ban đầu, huyết áp của bệnh nhân tụt còn 60/40 mmHg – dấu hiệu cho thấy anh đã rơi vào sốc tuần hoàn nặng. Dù được truyền dịch và dùng thuốc vận mạch, huyết áp vẫn không cải thiện, buộc phải chuyển tuyến khẩn cấp.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS Lê Sơn Việt - khoa Cấp cứu cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi như mũi, miệng, dạ dày và dưới da. Đặc biệt, xuất hiện các ban hoại tử – vùng da thâm tím, phù nề ở tứ chi do vi khuẩn tấn công trực tiếp vào mạch máu. Hiện chúng tôi phải lọc máu liên tục, duy trì thở máy và theo dõi sát các chỉ số huyết động. Nguy cơ hoại tử diện rộng và suy đa cơ quan là rất cao” – BS Việt thông tin.
Theo ghi nhận từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận thêm 1 ca nhiễm liên cầu lợn – nâng tổng số ca từ đầu năm 2025 đến nay lên 5 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh nhân mới nhất là một phụ nữ 72 tuổi ở xã Hát Môn, mắc bệnh sau khi có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn và được xác định dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn qua xét nghiệm dịch não tủy.
Nỗi lo khó hóa giải
Trong các khuyến cáo y tế suốt nhiều năm qua, “tiết canh” luôn nằm trong danh sách những món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn cao, đặc biệt là liên cầu lợn – một loại vi khuẩn có thể gây sốc nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, tiết canh vẫn hiện diện trong nhiều mâm cơm, bàn nhậu – như một món khoái khẩu quen thuộc, được bảo vệ bởi niềm tin “ăn bao năm không sao”.
Ở một số vùng quê, hình ảnh mâm rượu ngày giỗ, ngày cưới với bát tiết canh đỏ au ở giữa mâm không hề xa lạ. Gia chủ thường mời khách bằng lời cam đoan chắc nịch: “Lợn nhà nuôi, sạch 100%, cứ yên tâm mà ăn!”. Còn ở những quán lòng trong phố, không thiếu cảnh thực khách cụng ly, kèm câu động viên quen miệng: “Quán này ăn từ bao năm nay, có ai làm sao đâu!”
Nhưng như các bác sĩ đã nhiều lần khẳng định, vi khuẩn gây bệnh không phân biệt giữa “lợn nhà” và “lợn ngoài chợ”. Chúng không thể bị tiêu diệt bằng vài giọt rượu trắng hay chút chanh vắt vào bát tiết. Một con lợn mang mầm bệnh, dù nhìn bề ngoài khỏe mạnh, cũng có thể chứa vi khuẩn Streptococcus suis -nguyên nhân chính gây bệnh liên cầu lợn. Khi ăn phải tiết canh nhiễm khuẩn, người ăn có thể rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng, hoại tử da, rối loạn đông máu chỉ sau 24 - 72 giờ, như nhiều ca bệnh ở trên.
BS Lê Sơn Việt cho biết: “Nhiều người nhập viện trong tình trạng rất nặng, hoại tử tứ chi, rối loạn đông máu toàn thân, phải lọc máu và thở máy kéo dài. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là gánh nặng rất lớn về kinh tế cho gia đình”.
Không chỉ người ăn tiết canh mới có nguy cơ nhiễm bệnh. Những người tham gia giết mổ, chế biến, hoặc đơn giản là tiếp xúc với thịt lợn sống có mang vi khuẩn qua vết xước trên tay cũng có thể bị lây nhiễm. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những hộ chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ hoặc giết mổ thủ công chưa qua kiểm dịch. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh không chỉ là câu chuyện ăn hay không ăn, mà còn liên quan đến nhận thức, thói quen vệ sinh và thực hành an toàn thực phẩm ở cấp cộng đồng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-cuoc-tinh-mang-vi-mon-an-khoai-khau-10310133.html