Bị rút kinh nghiệm vì bản án tuyên sai tên tội danh
Theo VKSND Tối cao, cần rút kinh nghiệm một số vấn đề như tòa tuyên chưa chính xác tên tội danh, việc tách phần dân sự là chưa giải quyết triệt để, vi phạm phạm vi xét xử phúc thẩm...
Mới đây, VKSND Tối cao đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án Phan Thị Ngọc Diệp và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại TP.HCM.
Theo hồ sơ, trong thời gian hoạt động kinh doanh từ năm 1999 đến tháng 5-2004, Nguyễn Khắc Sơn lợi dụng Phương Đình Chiến (giám đốc công ty Xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội) và Nguyễn Văn Quân (Kế toán trưởng) thiếu kiểm tra, giám sát đã chỉ đạo Phan Thị Ngọc Diệp (Thủ quỹ chi nhánh công ty) lập phiếu thu tiền ít hơn tiền thực nhận nhằm mục đích chiếm đoạt hơn 60 tỉ đồng. Sau đó, để hợp thức các khoản thu, chi, Sơn chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Vân (Kế toán chi nhánh) ký các chứng từ để làm báo cáo...
Ngoài ra, Nguyễn Khắc Sơn ký hợp đồng kinh tế bán giấy cho các công ty của một người khác nhưng thực tế thỏa thuận với người này đem hợp đồng đã ký kết thế chấp ngân hàng nhằm chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Nguyễn Khắc Sơn đã bỏ trốn và tẩu tán toàn bộ tài sản, hiện không có cơ sở để kê biên thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Xử sơ thẩm hồi tháng 11-2019, TAND TP.HCM xử phạt Diệp 3 năm tù theo điều 165 BLHS 1999 nhưng cho hưởng án treo, Vân 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Quân 3 năm tù theo Điều 285 BLHS 1999. Ngoài ra, tòa tách phần dân sự về bồi thường thiệt hại để giải quyết theo thủ tục TTDS (khi nào bắt được Sơn sẽ xử lý).
Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị, Quân kháng cáo xin giảm nhẹ.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của Quân, chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM về phần trách nhiệm dân sự, sửa bản án sơ thẩm buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường.
Tháng 3-2023, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm (về phần dân sự) để xét xử sơ thẩm lại.
Rút kinh nghiệm 4 vấn đề
Đối với vụ án trên, VKSND Tối cao cho biết cần rút kinhnghiệm 4 vấn đề.
Thứ nhất, về tên tội danh hai cấp tòa xử phạt bị cáo Diệp thừa hai chữ “trật tự”, tên tội danh đúng theo Điều 165 BLHS 1999 phải là "Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường dân sự, trong vụ án này, Chiến, Quân, Vân phạm tội do lỗi vô ý, không có ý thức chiếm đoạt tài sản và không được hưởng lợi từ số tiền hơn 68 tỉ đồng mà Sơn chiếm đoạt nên không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Do đó, việc tòa buộc các bị cáo này liên đới bồi thường là chưa chính xác.
Thứ ba, về việc tách phần dân sự trong vụ án hình sự, Diệp với vai trò thủ quỹ đã giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tiền. Sơn bỏ trốn, tẩu tán tài sản, hiện đang bị truy nã nên chưa thể buộc Sơn chịu trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, với vai trò giúp sức, Diệp phải bị liên đới bồi thường nên việc TAND TP.HCM tách phần dân sự để không giải quyết là không đúng theo Điều 30 BLTTHS, không triệt để vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Thứ tư, về phạm vi xét xử phúc thẩm theo Điều 357 BLTTHS, thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm khi sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự là giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng hoặc tăng mức bồi thường thiệt hại. Đối với vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định tách phần dân sự về bồi thường thiệt hại để giải quyết theo thủ tục TTDS.
Như vậy, tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét về phần trách nhiệm dân sự nhưng tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKS để buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường là vi phạm phạm vi xét xử phúc thẩm, làm mất quyền kháng cáo của các bị cáo...
Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-rut-kinh-nghiem-vi-ban-an-tuyen-sai-ten-toi-danh-post765788.html