Bị siết tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản xoay sở nguồn vốn ra sao?
Tín dụng bất động sản đang bị siết và dự kiến sẽ còn bị siết chặt hơn nữa. Thị trường bất động sản trong nước buộc phải tìm đến các nguồn vốn khác.
Thị trường đã “ngấm đòn”
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), thị trường bất động sản quý I/2019 có chiều hướng chững lại, nhất là nguồn cung nhà ở tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, tổng nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường TP. HCM còn giảm mạnh hơn, chỉ có 3.000 sản phẩm, tương đương giảm 50% so với cùng kỳ.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, chủ yếu do một số dự án đã ra khối lượng hàng lớn tại quý cuối của năm 2018. Cùng đó, việc chậm phê duyệt các dự án, cũng như việc giảm tín dụng cho bất động sản (giảm khoảng 0,8%) cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, tín dụng cho bất động sản đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, quy mô tín dụng bất động sản đã giảm dần từ năm 2016 đến nay, đặc biệt giảm nhiều trong quý IV/2018 so với quý trước đó.
“Theo dự đoán, tín dụng bất động sản sẽ còn được kiểm soát chặt chẽ hơn, với việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo thay thế Thông tư 36, Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%, đồng thời tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên. Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, trong ngắn hạn, phân khúc nhà ở cao cấp sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào vốn ngân hàng, vốn của các khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, hộ gia đình cá nhân. Trong khi đó, hầu hết người mua nhà trên thị trường hiện nay đều phải vay vốn từ ngân hàng. Với cơ chế tín dụng hiện nay, lãi suất đã ở mức rất cao, xấp xỉ 10%/năm. Nếu có thêm quy định tăng hệ số rủi ro thì những khoản vay trên 3 tỷ đồng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Dù đồng tình với việc cần thiết siết tín dụng bất động sản, buộc các doanh nghiệp phải tìm các nguồn vốn khác, giảm phụ thuộc ngân hàng nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vẫn cho rằng việc sửa Thông tư vào lúc này sẽ gây khó cho thị trường.
Nguyên nhân do rất nhiều doanh nghiệp địa ốc mới vừa hồi phục, hoặc chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần, cũng như chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động vốn.
Cần tận dụng những kênh huy động vốn khác
Đồng tình cho rằng động thái hạn chế tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn nhưng ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, đang có những tín hiệu đáng mừng đối với dòng vốn bất động sản.
Đó là thị trường đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất.
“Riêng trong quý I, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án” – ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết.
Ngoài ra, ông Khởi cũng cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu vốn trong nước, Thủ tướng đã chỉ đạo hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác, quỹ đầu tư bất động sản. Đây sẽ là các kênh bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.
Cũng theo Phó cục trưởng Cục Nhà và thị trường bất động sản, việc siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn bất động sản, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản, tránh “bong bóng”, hạn chế đầu tư theo trào lưu… giúp thị trường lành mạnh hơn.