Bí thư cấp ủy các cấp Ninh Bình đã tiếp 14.400 cuộc với 2.214 lượt công dân trong 10 năm
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bí thư cấp ủy các cấp Ninh Bình đã tiếp 14.400 cuộc với 2.214 lượt công dân (trong đó có 209 cuộc đột xuất với 190 lượt công dân).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo đó, 10 năm qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều bước chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong 10 năm qua, Bí thư cấp ủy các cấp đã tiếp 14.400 cuộc với 2.214 lượt công dân (trong đó có 209 cuộc đột xuất với 190 lượt công dân). Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 38.445 lượt công dân với 588 lượt đoàn đông người (có từ 5 người trở lên).
Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có sự linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài.
Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 624/629 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền được giao, đạt tỷ lệ 99,2% (trong đó trên 10% số vụ việc được giải quyết thông qua hòa giải thuyết phục); đã giải quyết 441/445 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 99,1%.
Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo được quan tâm, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, khách quan về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp ủy, chính quyền, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bố trí cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu pháp luật và thực tiễn làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo 10 năm qua đã đóng góp quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Ninh Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35, đồng thời khẳng định: Ninh Bình là điểm sáng trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và những kinh nghiệm của Ninh Bình sẽ là bài học để các địa phương trong cả nước tham khảo, thực hiện.
Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở. Chú trọng tập huấn kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; sớm triển khai ứng dụng tiếp công dân trực tuyến.
Nhấn mạnh những thuận lợi đan xen cùng những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong thu hút đầu tư để triển khai thực hiện các dự án, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị Ninh Bình cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 35 đã mở rộng và nâng cao thực hành quyền dân chủ trực tiếp của công dân; phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo người dân tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, qua đó thực hiện các mưu đồ chính trị, chống Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện Chỉ thị đã góp phần rèn luyện bản lĩnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham gia tiếp công dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương.
Lưu ý về những thách thức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đặt ra trong bối cảnh mới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ: mối quan hệ về sự phối hợp giữa cấp với cấp, ngành với ngành, cấp với ngành; mối quan hệ giữa tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; mối quan hệ giữa yếu tố nền tảng xử lý và phương thức xử lý. Muốn vậy cần tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi các âm mưu lợi dụng khiếu nại, tố cáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, trình độ, năng lực, phương pháp và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là yếu tố quan trọng, vì vậy đội ngũ làm công tác này phải "đúng vai, thuộc bài"; nêu cao trách nhiệm trong phân loại, xử lý đơn thư. Trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cần khách quan, công tâm, có lý, có tình. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (giai đoạn 2014-2024).