Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn Bài 3: Bước chuyển mới sau Chỉ thị số 31-CT/TU và Đề án số 10-ĐA/TU

Sau 6 năm thực hiện, việc hợp nhất chi bộ trong một thôn và chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (BTCBĐTLTT) đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn; tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; có số lượng và cơ cấu hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Chi bộ là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng'.

Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Tháng 12/2018, Chi bộ thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào (Phù Cừ) hợp nhất từ 3 chi bộ của thôn Đoàn Đào. Chủ trương BTCBĐTLTT cũng được thực hiện ngay sau đó. Đồng chí Lê Ngọc Lâm, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đoàn Đào cho biết, thời điểm thôn có 3 chi bộ, mỗi lần có nội dung triển khai thì đảng ủy viên phụ trách thôn phải họp để thảo luận, thống nhất 3 chi ủy trước. Tôi cho rằng, việc thực hiện hợp nhất nhiều chi bộ trong một thôn và chủ trương BTCBĐTLTT rất đúng đắn, phù hợp. Từ việc lĩnh hội nghị quyết của cấp trên tới dự thảo nghị quyết của chi bộ, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, điều hành công việc rất tập trung, thống nhất, được đảng viên, Nhân dân đồng thuận cao. Việc phối hợp giữa trưởng thôn và các chi hội đoàn thể nhanh chóng hơn. Ngoài công việc thường xuyên theo kế hoạch, đặc thù ở thôn có nhiều việc cụ thể, nhiều việc phát sinh cần giải quyết ngay. Do vậy, thôn có 1 chi bộ, bí thư chi bộ là trưởng thôn giúp cho công việc chủ động hơn rất nhiều, giảm khâu, giảm bước trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Bí thư chi bộ, trưởng các thôn dự họp triển khai công việc của Đảng ủy xã Đoàn Đào (Phù Cừ)

Bí thư chi bộ, trưởng các thôn dự họp triển khai công việc của Đảng ủy xã Đoàn Đào (Phù Cừ)

Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Chính Nghĩa (Kim Động) đánh giá, chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn mang đến sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị quyết của đảng ủy ở các thôn. Trước đây, đối với thôn Dưỡng Phú có 6 chi bộ, đảng ủy triển khai một nội dung phải triệu tập 6 chi ủy để bàn bạc, ý kiến không phải lúc nào cũng thống nhất. Việc thực hiện hợp nhất chi bộ thôn khắc phục được tình trạng một thôn có nhiều nghị quyết lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết cấp trên. Các vấn đề phát sinh từ cơ sở cũng được nắm bắt, giải quyết hiệu quả hơn. Chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ bản được nâng lên, nội dung sinh hoạt được đổi mới; nghị quyết chi bộ được ban hành đã bao quát được nhiệm vụ chính trị của thôn.

Sau khi thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU và Đề án số 10-ĐA/TU, đến tháng 7/2024 đã giảm được 212 chi bộ; đội ngũ bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn đã giảm được trên 800 người. Có 804 thôn thực hiện BTCBĐTLTT, chiếm 97,2%, tăng gần 90% so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 31-CT/CT và Đề án số 10-ĐA/TU.

Đồng chí Phạm Văn Nghệ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Đồng chí Phạm Văn Nghệ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

"Việc thực hiện chủ trương BTCBĐTLTT góp phần tăng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Đồng thời sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở tinh gọn, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian hội họp, hội ý. Nghị quyết của chi bộ sát thực, hiệu quả và đi vào đời sống. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân nhanh chóng. Các vấn đề trong dân cũng được nắm bắt, giải quyết hiệu quả cao hơn. Điều đó cho thấy vai trò lãnh đạo của chi ủy, chi bộ và trách nhiệm của đảng viên, nhất là người đứng đầu (bí thư, trưởng thôn) được phát huy đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Từ đó, đảng viên và Nhân dân nhận thấy rõ hiệu quả, vai trò của chi bộ đối với mọi hoạt động ở thôn, càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng".

Những vấn đề đặt ra

Thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) có 5 nghìn nhân khẩu và có 2 nghìn người từ địa phương khác tới làm việc, thuê trọ. Thôn có doanh nghiệp đóng trên địa bàn, công nhân thuê trọ chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Mức độ hiểu biết pháp luật cũng như những quy định của địa phương của họ còn hạn chế. Họ mang theo cả tập tục sinh hoạt tới, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Ngày nghỉ tập trung ăn uống nhậu nhẹt từ trưa đến tối. Trong thôn xuất hiện nhiều đối tượng nghiện hút ma túy. Đặc biệt, thời điểm đầu năm, cuối năm, công nhân ra vào trọ đông, đối tượng nghiện hút trà trộn để trộm cắp. Mỗi tối tổ dân phòng đều đi tuần tra quanh thôn, đặc biệt giờ cao điểm công nhân đi làm về. Đồng chí Đỗ Tuấn Phong, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Hành Lạc cho biết, thôn lớn nên khối lượng công việc phải giải quyết nhiều, nhiều vụ việc về an ninh trật tự, tai nạn giao thông, kiện tụng, mâu thuẫn. Đặc biệt vừa qua, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô, khu tái định cư, trên địa bàn thôn có trên 500 ngôi mộ phải di chuyển, cùng với đó phối hợp thực hiện nhiệm vụ cắm mốc giới, xác minh chủ đất, kiểm đếm tài sản trên đất cho khoảng 200 hộ… Việc họp hành, hội nghị cũng chiếm nhiều thời gian, do vậy, chúng tôi phải phân công từng mảng nội dung công tác để giải quyết kịp thời cả công tác Đảng và chính quyền. Những việc cần kíp thì ưu tiên tập trung làm trước. Có những việc ngày nào cũng phải sát sao, như: Quản lý đất đai, chỉ đạo sản xuất, nắm bắt tình hình an ninh trật tự…

Một buổi sinh hoạt của chi bộ thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm)

Một buổi sinh hoạt của chi bộ thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm)

Một vấn đề nữa đặt ra là việc lựa chọn cán bộ, đào tạo cán bộ kế cận, đặc biệt cán bộ trẻ, năng nổ, nhiệt huyết, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Đến nay, vẫn còn một số thôn trưởng thôn không là đảng viên. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Văn Lâm cho biết, huyện Văn Lâm hiện có 2 thôn của xã Đại Đồng và xã Tân Quang trưởng thôn không là đảng viên. Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025, bí thư 2 chi bộ thôn này mới tham gia cấp ủy, được giới thiệu bầu trưởng thôn. Trong khi đó, các trưởng thôn đương nhiệm đã gắn bó, hoạt động nhiều năm. Huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã rà soát tiêu chuẩn của các trưởng thôn này, nếu bảo đảm thì sẽ bồi dưỡng để kết nạp đảng, ngược lại, xã phải chuẩn bị nhân sự thật tốt để thay thế ở nhiệm kỳ sau.

Tại Thông báo số 1232-TB/TU ngày 10/8/2023 thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết Chỉ thị số 31-CT/TU và Đề án số 10 – ĐA/TU đã chỉ ra khó khăn, hạn chế: Một số chi bộ sau khi hợp nhất gặp khó khăn trong bố trí địa điểm sinh hoạt chi bộ do đảng viên đông, đảng viên cư trú địa bàn rộng, ảnh hưởng việc đi dự sinh hoạt của đảng viên, nhất là đảng viên cao tuổi phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chi ủy viên chi bộ thôn hiện nay chưa có phụ cấp nên chưa khuyến khích, động viên để tạo động lực cho đội ngũ này phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Việc thực hiện đồng thời 2 chức danh, cùng với giảm số người hoạt động không chuyên trách ở thôn dẫn đến khối lượng công việc tăng lên, đặc biệt thôn lớn. Một số cán bộ thôn năng lực còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. Mặt khác, thực hiện chủ trương này dễ nảy sinh tư tưởng độc đoán, cục bộ, dễ dẫn đến sai phạm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ…

Để duy trì, phát huy kết quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy và cả hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu của Chỉ thị số 31-CT/TU và Đề án số 10-ĐA/TU. Theo đó, tiếp tục duy trì việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương BTCBĐTLTT, bảo đảm hết năm 2025 hoàn thành việc thống nhất nhiệm vụ bầu bí thư chi bộ và bầu trưởng thôn ở 100% số thôn trên địa bàn. Trên cơ sở quy định của trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ cán bộ thôn; coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ này. Thường xuyên quan tâm và có giải pháp cụ thể đối với đảng viên trẻ ở nông thôn để lựa chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận tại cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, trong đó chú trọng giám sát đối với BTCBĐTLTT để kịp thời nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đồng thời góp phần ngăn chặn, không để cán bộ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên quyền, độc đoán trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương…

Nhóm PV

Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn:

Bài 1: Thực trạng chi bộ trước khi hợp nhất

https://baohungyen.vn/bai-1-thuc-trang-chi-bo-truoc-khi-hop-nhat-3173981.html?preview=true

Bài 2: “Mở lối” khắc phục khó khăn

https://baohungyen.vn/bai-2-mo-loi-khac-phuc-kho-khan-3173982.html?preview=true

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bai-3-buoc-chuyen-moi-sau-chi-thi-so-31-ct-tu-va-de-an-so-10-da-tu-3173983.html