Bí thư Hà Nội: Nhà tái định cư thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, sáng 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Phát biểu tại tổ thảo luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, nhà tái định cư ở Hà Nội hiện nay “thừa thì vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”. Thừa là theo nhu cầu, vừa qua một loạt dự án người dân không nhận nhà mà nhận tiền. Còn thiếu là theo Luật Đất đai.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, theo luật, cứ có nhà tái định cư thì mới được triển khai dự án. Vì vậy, nên chăng cần có hướng mở hơn trong quy định này. Hoàn toàn giao cho cấp tỉnh bố trí nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại một cách linh hoạt.
"Một loạt nhà tái định cư đang thừa, chả lẽ bố trí dân ở phía Tây Hà Nội sang Long Biên nhận nhà tái định cư? Vô lý lắm! Cho nên, thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu” - ông Đinh Tiến Dũng nói.
Liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, trách nhiệm của nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhà đầu tư phải đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cùng với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo đồng bộ và tiến độ.
Có nhiều nhà đầu tư làm nhà ở, bán xong cho người dân nhưng quay đi quay lại rất thiếu hạ tầng kinh tế - xã hội trong các dự án. Có những dự án làm được 20 năm nay rồi nhưng chưa có trường học, trong khi dân vào ở kín, bãi đỗ xe cũng thiếu. Như vậy có thể thấy, việc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước không hợp lý.
Từ thực tế điều hành ở thủ đô, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, những dự án không đầu tư hạ tầng xã hội sẽ được thành phố thu hồi lại, đề nghị tiếp tục đầu tư, có thể bằng ngân sách hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ phát khác.
Không chọn "đất vàng" để giá hợp lý hơn
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) quan tâm đến tên gọi của các khu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, tái định cư, khu nhà ở xã hội. Đại biểu cho rằng cần có những chính sách, quan tâm đúng mực, có trách nhiệm và thật nhân ái cho những đối tượng kể trên.
Nói về chất lượng xây dựng những khu nhà ở nêu trên, ông cho biết cá nhân ông đã đi khá nhiều khu tái định cư, khu nhà ở cho người nghèo…chất lượng xây dựng 5 năm trở về trước khá thấp. Do đó, ông đề nghị cần phải đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn những khu như vậy, có thể hẹp đi, nhỏ đi hoặc ở một địa điểm không phải "đất vàng" để làm cho giá hợp lý hơn. Nhưng, chất lượng xây dựng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định để đảm bảo an toàn cho người dân.
Thêm một vấn đề ông rất quan tâm đó và đề nghị không nên ghi tên của tòa nhà, khu chung cư hoặc treo biển… bằng những tên gọi theo chức năng như: Khu nhà ở cho người nghèo, khu nhà ở cho người thu nhập thấp, khu nhà ở tái định cư, khu nhà ở xã hội… vì những lý do, đó là những cụm từ để chỉ chức năng, từ chức năng đó để làm văn bản, giấy tờ nhưng sử dụng làm tên gọi của khu ở thì không nên.
"Thêm nữa, nhà ở bản chất cũng là một loại hàng hóa, sẽ có chuyển nhượng, có bán. Nên khi có tên gọi như vậy là mất giá. Mua đến vùng đó là bị mất giá ngay từ lúc mua. Cùng với đó, khi gọi tên như vậy là thiếu tôn trọng cư dân ở đó, đây là điều phản cảm", ông Trí nêu lý do.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị những khu nhà ở như đã nêu trên nên đặt tên khu nhà, tòa nhà đó bằng những tên đẹp, ý nghĩa hay. Đại biểu gợi ý có thể đặt tên thành tên của những loài hoa như "hoa Lan, hoa Ban, hoa Hồng…" hoặc mang tên địa danh "Chương Dương 5, Chương Dương 7….".
Nếu như định giá theo thị trường nhưng một số căn hộ người ta không chấp nhận thì thế nào?
Đại biểu Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phân vân về việc chưa nói đến sở hữu nhà chung cư vĩnh cửu hay có thời hạn. Theo tinh thần của luật này thì nêu khái niệm sở hữu thì sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhà chung cư có tuổi đời 50-60-70 năm tùy theo tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
“Muốn cải tạo thì chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, bây giờ giá nào? Nếu như định giá theo thị trường nhưng một số căn hộ người ta không chấp nhận thì thế nào? Thực tế đã có rồi. Tất nhiên ta có phương án tái định cư tại chỗ và mặt bằng giá tương đối bằng nhau để thuyết phục nhưng vẫn có những nhà trong khu căn hộ đặt vấn đề giá cả cao hơn thì xử lý ra sao?” – ông Lê Trường Lưu nêu câu hỏi.
Phản ánh thực trạng hàng loạt nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng và Nhà nước phải bỏ ngân sách sửa chữa hoặc đàm phán với dân để xây dựng lại, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đặt vấn đề, nhà chung cư do DN đầu tư để bán không rõ sau bao nhiêu năm thì sửa.
“50 năm nữa ông doanh nghiệp ấy không còn trên đời, con cháu chúng ta ở trong căn hộ đó mà xuống cấp thì ai sửa? Luật phải có nhiều phương án, như cho bán với thời hạn 30 năm hay bao nhiêu năm thôi” – đại biểu bày tỏ.
Đại biểu này cũng đề xuất khi bán phải trích bao nhiều phần trăm mỗi năm, người ở trong chung cư phải đóng góp thế nào để sau 20 đến 30 năm có nguồn sửa chữa, tránh việc “DN không còn ở đây nữa rồi Nhà nước lại phải bỏ một đống tiền ra sửa, vì dân khổ thì Nhà nước phải làm”.