Bí thư Khánh Hòa: Tập trung tháo gỡ vướng mắc vật liệu cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Hôm nay (11/5), ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đi kiểm tra và chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn trong thi công Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, mỏ đất đắp, san lấp và chuyển đổi đất rừng, tháo gỡ vướng mắc về vật liệu cao tốc Vân Phong- Nha Trang.
Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang do Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư dài hơn 83 km, có điểm đầu tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, điểm cuối tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh. Dự án được khởi công ngày 01/01/2023 hoàn thành vào cuối năm 2025.
Hiện nay, trên công trường này, các nhà thầu đang huy động gần 300 thiết bị máy móc cùng hơn 800 công nhân, tổ chức hơn 30 mũi thi công. Sau hơn 4 tháng thi công nhưng dự án mới giải ngân 120 tỷ đồng, chỉ gần 1,7% giá trị hợp đồng. Các địa phương đã bàn giao được 73% diện tích mặt bằng dự án nhưng không liên tục, chưa có đường công vụ, nhiều đoạn không thể tiếp cận để triển khai thi công. Ông Trần Đình Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết: “Do tình trạng giải phóng mặt bằng một số điểm “xôi đỗ” liên tục, các nhà thầu mới triển khai thi công được 54/83km, đạt được 65% do thiếu đất đắp. Đường công vụ chạy dọc tuyến, việc giải phóng mặt bằng được liên tục thì mới có điểm tiếp cận để vào công trường triển khai thi công”.
Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 610 héc ta, hơn 2.600 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó gần 240 hộ phải tái định cư. Hiện nay, các địa phương đang tích cực chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ thi công 5/6 khu tái định cư. Riêng tại huyện Vạn Ninh, có 1 khu tái định cư chưa thể thi công do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, trong tháng 4 vừa qua, các địa phương phải xong 4/5 khu tái định cư để bố trí cho hộ dân giải tỏa vào làm nhà ở nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Đàm Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đang nỗ lực bàn giao đất tái định cư, giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/6. “Mình đã đổ đất những khu vực bà con đã bàn giao, còn những thửa chưa bàn giao là giáp đường 2/9, toàn bộ đây là người ta mua bán sang tay đến đời thứ mấy rồi. Số này họ mua, giá thu hồi chắc chắn là thấp hơn nên không bao giờ họ chấp nhận. Huyện đã lên phương án cưỡng chế, bảo vệ thi công, lấp những khu vực còn lại và tiến hành thi công”.
Làm việc với lãnh đạo các địa phương, chủ đầu tư, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị các bên cần phối hợp chặt chẽ, nhận diện đúng các điểm nghẽn để giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng, thi công dự án đúng tiến độ. Trước mắt, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân đồng thuận, có quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con. Các khu tái định cư hiện nay được các địa phương lựa chọn vị trí thuận lợi, có công viên, nước sinh hoạt, đầu tư xây dựng dựng theo hướng đô thị. Các địa phương cần sớm bàn giao mặt bằng để người dân an cư. UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng tại dự án.
Hiện, toàn bộ dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang còn thiếu khoảng 3 triệu mét khối vật liệu, đất san lấp. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu cơ quan chuyên môn sớm thẩm định, phê duyệt các vị trí mỏ đất mà nhà thầu đã thỏa thuận xong với chủ đất để đảm bảo phục vụ thi công đến cuối năm, đồng thời tìm kiếm thêm các điểm mỏ khác trên địa bàn và quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản. Việc khảo sát đất tại các lâm trường để làm vật liệu không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài vì liên quan đất công, đất rừng sản xuất, trong khi các giải pháp khả thi, hiệu quả khác chưa được tính đến, như: bổ sung mỏ, mua đất ngoài tỉnh...
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ thi công. Mục tiêu là có đất để làm đường cao tốc, không chậm tiến độ, đồng thời hạn chế tình trạng găm hàng, trục lợi đầu cơ. Đối với 5 mỏ đã thỏa thuận rồi, đảm bảo được khối lượng đất để đắp được trong năm nay.
"Mục tiêu của chúng ta là phải có đất để làm đường cao tốc, không chậm tiến độ, đồng thời hạn chế tình trạng găm hàng, trục lợi đầu cơ, thủ tục cần tiến hành nhanh hơn. Các ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực từ nay đến cuối năm, xem những điểm mỏ khác có thể xử lý được để giải quyết điểm nghẽn.”.Ông Nguyễn Hải Ninh chỉ đạo./.