Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đan Phượng cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai để không xảy ra tiêu cực

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu các điểm huyện Đan Phượng cần chú ý trong quá trình phát triển lên quận, trong quá trình đô thị hóa. Cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai để không xảy ra tiêu cực, làm mất ổn định xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hôm nay (5/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Huyện ủy Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, năm 2019, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện cơ bản đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao như thu ngân sách đạt 152%, giải quyết việc làm cho người lao động đạt 164%, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1,25% xuống còn 0,26%. Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng thương mại-dịch vụ (45,7%), công nghiệp-xây dựng (48,6%), giảm tỉ trọng nông nghiệp (5,7%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng/người/năm...

Đến nay, Đan Phượng đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Có 100% chi bộ trực thuộc Đảng ủy tổ chức đại hội thành công, bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ. Công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở đang được tiến hành khẩn trương. Hiện các cấp ủy trực thuộc đang tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị để tổ chức đại hội, phấn đấu cơ bản hoàn thành đại hội các cơ sở trực thuộc trong tháng 5.

Một trong những mục tiêu Đan Phượng xác định phải quyết liệt là triển khai hiệu quả đề án xây dựng huyện Đan Phượng thành quận trong 5 năm tới. Qua rà soát, huyện xách định còn 2 tiêu chí khó khăn là cân đối ngân sách, hạ tầng khung về đường giao thông đô thị.

Về nội dung này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu ý kiến, Đan Phượng là một trong những huyện có cơ cấu chuyển dịch kinh tế tích cực, dịch vụ phát triển, nhất là cung ứng nông sản. 1/3 diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có chất lượng cao.

Theo ông Phong, khó khăn của huyện là phát triển đô thị tốc độ nhanh, nên năng lực, trình độ quản lý đô thị còn nhiều lúng túng. Còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai, xây dựng, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn, có thể tiềm ẩn phức tạp liên quan đến an ninh nông thôn. Một vấn đề khác là quy hoạch và quản lý quy hoạch, cũng như còn nhiều dự án chưa được triển khai, dẫn đến hoang hóa, lãng phí đất đai, nguồn lực.

Từ góc độ này, ông Nguyễn Văn Phong nêu Đan Phượng còn khó khăn khi phát triển thành quận, đặc biệt là quản trị, quản lý, về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và câu chuyện về mặt thích ứng khi phát triển đô thị...

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để phát triển lên quận, tính đến hết năm 2019, Đan Phượng còn 7 chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cân đối thu chi ngân sách (hết năm 2019 mới cân đối 40%), đây cũng là chỉ tiêu khó thực hiện với các huyện lên quận. Bên cạnh đó là chỉ tiêu lao động phi nông nghiệp, giao thông, hạ tầng khung... Qua quá trình triển khai, Sở tiếp tục làm việc với 5 huyện đang xây dựng đề án lên quận để đạt các chỉ tiêu đặt ra.

Đối với định hướng phát triển lên quận của Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố giao huyện lên phương án, tự chủ ngân sách thực hiện, hoàn thiện thể chế, nguồn lao động, tập trung nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời chỉ đạo các sở liên quan phối hợp với các huyện đang xây dựng đề án lên quận để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đan Phượng là một huyện vùng ven của Hà Nội, vùng đất giàu văn hóa lịch sử, truyền thống cách mạng, nơi khơi nguồn phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Trong những năm qua, kinh tế của huyện có bước phát triển, an sinh xã hội bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nổi bật là công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho hiệu quả cao. Thu nhập người dân được cải thiện, công tác y tế, giáo dục được quan tâm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Trong 4 năm qua không có tổ chức cơ sở Đảng nào xếp loại yếu kém, điều này cho thấy sự thống nhất, đoàn kết trong cấp ủy.

Nhận định trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù có tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh đó tiếp tục thực hiện tốt các phương án phòng, chống dịch, nới lỏng nhưng không được lơi lỏng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Giai đoạn này ngoại thành phải hỗ trợ cho nội thành, bởi ngoại thành có tiềm năng, nguồn lực phát triển hơn như về sản xuất nông nghiệp, đấu giá đất...

Đặc biệt, về vấn đề quy hoạch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu thành phố lập Ban Chỉ đạo của thành phố nghiên cứu xây dựng quy hoạch chung, không để các quận, huyện tự làm quy hoạch, qua đó góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-dan-phuong-can-quan-ly-chat-che-quy-hoach-dat-dai-de-khong-xay-ra-tieu-cuc-post78423.html