Bí thư Thành ủy Hà Nội: Kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đi vào làm việc ngay

Sáng 23/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, cu làm việc có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thành phố đang tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Thành phố kỳ vọng, thông qua buổi làm việc sẽ giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp thiết, nổi cộm, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện các nội dung liên quan trong dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, bước đầu, thành phố đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Nổi bật là tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành đạt 89%, ở nội thành đạt 100%; thu gom chất thải y tế đạt 100%.

Thành phố đã tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 134 hồ; xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. 9/9 khu công nghiệp, 26/43 cụm công nghiệp, 100% các bệnh viện tư nhân và 26/28 bệnh viện do thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từ tháng 12-2016, thành phố đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động...

Về lĩnh vực quản lý đất đai, Hà Nội đã đạt được những tiến bộ quan trọng, nhất là khai thác nguồn lực từ đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phố đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối. Hằng năm, UBND thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đem lại từ 15% đến 20% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tính đến ngày 20/4/2020, 100% tổng số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận đã được đăng ký kê khai; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.355.510 thửa); việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%.

Mặc dù vậy, cả hai lĩnh vực nêu trên đều còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết. Trong đó, nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố. Do đó, Hà Nội đã nêu 4 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực bảo vệ môi trường và 8 kiến nghị, đề xuất về quản lý đất đai.

Thành phố kiến nghị có cơ chế đặc thù như bổ sung hình thức đầu tư BT, xác định lại đơn giá để thu hút nhiều nguồn lực xã hội trong xử lý ô nhiễm môi trường; cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, quy trình đặc thù như thành phố Hồ Chí Minh để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tháo gỡ về cơ chế để giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh.

Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí trong năm nay

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc tổ chức cuộc làm việc để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Đây không chỉ là vướng mắc của thành phố Hà Nội mà còn là vướng mắc chung, được các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều năm qua. Do đó, trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội, lãnh đạo các bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, tích cực phối hợp với Hà Nội để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

Trong đó, về cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng như thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, kiến nghị cho áp dụng chung trên cả nước.

Trước mắt, trong tuần tới, Bộ sẽ trình Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện như thành phố Hồ Chí Minh... Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ: "Chúng tôi sẽ coi việc giải quyết những vướng mắc của Hà Nội về tài nguyên, môi trường là nhiệm vụ chính, là giải pháp nâng cao chất lượng công việc của Bộ trong thời gian tới”.

Phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông báo chung, trong đó xác định rõ trách nhiệm của thành phố và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc

Đồng thời đề nghị, mỗi vấn đề đặt ra phải được phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả trong quá trình giải quyết; trên cơ sở đó phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố.

Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, trước hết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn.

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải.

Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-kien-toan-de-bo-phan-giam-sat-he-thong-cap-nuoc-sach-truc-thuoc-so-tai-nguyen-va-moi-truong-di-vao-lam-viec-ngay-20200523184750069.htm