Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Khát vọng đưa TP.HCM vươn tầm khu vực và thế giới

Sáng 30/6/2025, tại Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức Đảng; chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, xã, phường, đặc khu (Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã), ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị được chỉ định tiếp tục giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM mới.

Từ năm 2020, ông Nguyễn Văn Nên đã ghi dấu ấn với phong cách lãnh đạo thực tiễn, minh bạch và chiến lược; đặt trọng tâm vào hành động, kết quả cụ thể thay vì lời nói. Trong bối cảnh TP.HCM mở rộng địa giới, ông xác lập tư duy lãnh đạo mới cho chính quyền đô thị hai cấp, khơi dậy niềm tin, hướng thành phố đến mục tiêu trở thành siêu đô thị thông minh, sáng tạo, hiện đại, có vị thế trong khu vực và quốc tế.

1. Minh bạch, nhìn thẳng sự thật, xử lý dứt điểm

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhiều lần nhấn mạnh việc "nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh" trong quản lý và điều hành. Đây là lời cam kết về một văn hóa minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả, đặt trọng tâm vào hành động thực chất. Quan điểm này thể hiện rõ trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 và trong công tác giải ngân đầu tư công.

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM ngày 4/12/2020, ông khẳng định: "Quan điểm nhất quán là nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né; sai chỗ nào sửa chỗ đó. Tổ chức, cá nhân nào sai thì xử lý tổ chức, cá nhân đó với động cơ trong sáng".

Đặc biệt, tại hội nghị chuyên đề "Công tác giải ngân vốn đầu tư công" diễn ra tháng 10/2023, khi tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 32%, ông thẳng thắn yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hệ thống, tìm đúng nguyên nhân và "bấm trúng nút" để tạo chuyển biến thực chất.

2. Tư duy bứt phá, tinh thần "lội ngược dòng"

Phát biểu tại hội nghị tổng kết kinh tế - xã hội ngày 6/1/2024, Bí thư Thành ủy ví von TP.HCM như "cá hồi bơi ngược dòng" để nói về nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% trong năm 2024.

Chúng ta vẫn lên dốc, vẫn đi trong cơn gió ngược, vẫn lội ngược dòng nước như cá hồi vậy, sống là phải lội ngược dòng.

Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM

Ông cho rằng Thành phố cần phát huy tinh thần chủ động vượt khó, không bằng lòng với hiện tại. Tư duy không chấp nhận trì trệ, dám đi ngược gió trở thành động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới trong bộ máy quản lý và cả cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, ông tiếp tục nhấn mạnh, TP.HCM sẽ tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025; đồng thời yêu cầu rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tồn đọng trong quá trình tổ chức mô hình mới.

3. Mở rộng không gian phát triển qua sáp nhập

Theo ông Nguyễn Văn Nên, việc sáp nhập các địa phương không chỉ là thay đổi địa giới hành chính, mà còn là quyết sách chiến lược mở không gian phát triển mới. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI ngày 15/4/2025, khi nói về việc sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng: "Không gian phát triển của TP.HCM đã lớn hơn, chúng ta phải có tư duy, tầm nhìn lớn hơn để có chương trình hành động. Văn kiện đại hội nhiệm kỳ tới phải chuyển tải được những tầm nhìn lớn, có kế hoạch, giải pháp phát triển, không phải nhập là nhập cơ học".

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sáng 30/6. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sáng 30/6. Ảnh: Việt Dũng

Không gian phát triển của TP.HCM đã lớn hơn, chúng ta phải có tư duy, tầm nhìn lớn hơn.

Tại Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, ông cho biết, từ 1/7, TP.HCM sẽ trở thành thực thể kinh tế có vị thế mới trên bản đồ các thành phố lớn, khu vực và trên thế giới. TP.HCM mang theo khát vọng lớn cùng cơ hội lịch sử, tối ưu hóa tiềm năng phát triển kinh tế vượt trội, để sớm trở thành siêu đô thị đa trung tâm, đa ngành, đa chức năng, có sức cạnh tranh toàn cầu và hiện thực hóa tiến trình xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

4. Lấy người dân làm trung tâm

Trong mọi cải cách, ông Nên nhiều lần khẳng định thước đo hiệu quả chính là chất lượng cuộc sống của người dân. Tại chương trình gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM vào tháng 3/2024, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị chính quyền Thành phố chuẩn bị hệ thống hạ tầng, có kế hoạch quy hoạch những khu đặc biệt, khu công nghệ cao dành cho cộng đồng khởi nghiệp.

Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính, vốn một cách cụ thể, không nói chung chung. Bên cạnh đó, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng cần có chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. Những cơ chế, chính sách đó phải vượt trội mới tương xứng với tiềm năng và vị thế đầu tàu kinh tế của TP.HCM.

Kinh tế số đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022

Tại Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã ngày 30/6 vừa qua, ông tuyên bố: "Chúng tôi nhận thức rằng thước đo duy nhất đúng trong mọi cuộc cải cách là sự thụ hưởng của người dân, chất lượng sống của người dân thành phố".

Điều này cho thấy quan điểm rõ ràng, mô hình chính quyền phải chuyển từ cơ chế "xin - cho" sang phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Qua đó, tăng chất lượng phục vụ công, thúc đẩy môi trường đầu tư thân thiện. Ông chỉ đạo bộ máy chính quyền địa phương hai cấp của TP.HCM phải vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ những giờ đầu, ngày đầu, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Bí thư Nguyễn Văn Nên (áo trắng) đi tham quan gian hàng trưng bày của các Lãnh sự quán tại Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2024. Ảnh: Quỳnh Lâm

Bí thư Nguyễn Văn Nên (áo trắng) đi tham quan gian hàng trưng bày của các Lãnh sự quán tại Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2024. Ảnh: Quỳnh Lâm

Chúng tôi nhận thức rằng thước đo duy nhất đúng trong mọi cuộc cải cách là sự thụ hưởng của người dân, chất lượng sống của người dân thành phố.

5. Tôn vinh sự gương mẫu và sức mạnh cộng đồng

Với Bí thư Nguyễn Văn Nên, xây dựng văn hóa chính trị dựa trên hành động cụ thể và gương mẫu là nền tảng tạo sự chuyển động từ cơ sở. Ông đề cao các "gương thầm lặng", những người âm thầm cống hiến.

Tại hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra cuối năm 2020, ông yêu cầu mỗi cán bộ phải có chương trình hành động rõ ràng như một cam kết chính trị. Trong Lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã ngày 30/6, ông nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công chức, viên chức từ thành phố đến xã, phường phải ra sức học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ".

Ông đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài vì "cán bộ là then chốt của then chốt, quyết định cho mọi thành bại".

6. Phòng chống tham nhũng: Không khoan nhượng

Cam kết mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng là một điểm nhấn trong chiến lược lãnh đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ông gọi đây là "cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái tốt và cái xấu, giữa đạo đức và tiêu cực". Phát biểu tại hội thảo khoa học về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào tháng 10/2023, ông nhấn mạnh, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt với cái xấu, giữa đạo đức là cần, kiệm, liêm, chính và kẻ địch là tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì xác định như thế nên công tác phòng chống tham nhũng phải tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ông cũng đặc biệt lưu ý sự kết hợp giữa phòng chống tiêu cực với cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhằm đảm bảo vừa kỷ luật chặt chẽ, vừa không triệt tiêu đổi mới.

Quan điểm nhất quán là nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né; sai chỗ nào sửa chỗ đó. Tổ chức, cá nhân nào sai thì xử lý tổ chức, cá nhân đó với động cơ trong sáng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM mới

- Sinh năm 1957

- Quê quán: Xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh

- Trình độ: Cử nhân Luật, Cao cấp lý luận chính trị

- Quá trình công tác:

+ Trưởng thành từ cấp cơ sở, từng kinh qua nhiều vị trí công tác tại tỉnh Tây Ninh (cũ), như Trưởng Công an huyện Gò Dầu, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy rồi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

+ Từ tháng 7/2011: Được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

+ Tháng 3/2013: Ông giữ chức Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương.

+ Tháng 11/2013: Giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

+ Tháng 2/2016: Giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

+ Tháng 10/2020: Được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Sau đó, được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

+ Ngày 30/6/2025: Được Bộ Chính trị chỉ định tiếp tục giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM mới sau khi hoàn tất việc hợp nhất các đơn vị hành chính.

Thiên Dung

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-nguyen-van-nen-khat-vong-dua-tp-hcm-vuon-tam-khu-vuc-va-the-gioi-319564.html