Bí thư tỉnh Sóc Trăng mời gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư hạ tầng, năng lượng tái tạo
Tập đoàn CFHEC bày tỏ sự quan tâm đến các dự án lớn tại Sóc Trăng như Cảng biển Trần Đề, dự án hạ tầng và đô thị thông minh.
Tiềm năng hợp tác ở Dự án Cảng Trần Đề và các KCN
Ngày 22/5, tại Bắc Kinh, đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng do Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn dẫn đầu và Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 (CFHEC). Đây là một trong những doanh nghiệp xây dựng rất lớn tại Trung Quốc. Được biết, buổi làm việc này nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, du lịch của tỉnh Sóc Trăng với với các địa phương của Trung Quốc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã giới thiệu về những thế mạnh, tiền năng của tỉnh đối với doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo đó, Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cách TP.HCM khoảng 230 km, cách thành phố Cần Thơ khoảng 60 km. Diện tích tự nhiên của Sóc Trăng là 3.298 km², với hơn 72 km đường bờ biển, có 11 đơn vị hành chính (gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện). Dân số Sóc Trăng gần 1,2 triệu người (chủ yếu là 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, trong đó người Hoa chiếm 5,2% dân số toàn tỉnh với khoảng 62.500 người.
Ông Lâm Văn Mẫn thông tin, quy mô nền kinh tế của tỉnh Sóc Trăng hiện nay khoảng 3 tỷ USD. Về hạ tầng giao thông, tỉnh Sóc Trăng có 7.472 km đường bộ gồm 5 truyến Quốc lộ, 17 tuyến đường tỉnh; Đường thủy nội địa: 3.012 km (có 3 tuyến quốc gia, 11 tuyến liên huyện.
Hiện nay, tỉnh rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng các tuyến giao thông kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Đó là các tuyến như đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây; Tuyến đường bộ ven biển và tương lai là xây dựng Cảng biển Sóc Trăng. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai Cầu Đại Ngãi; Tuyến đường Quốc lộ 91B (Nam Sông Hậu)..
Theo Quy hoạch, định hướng phát triển Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với dự án chi phối quan trọng nhất là Cảng biển Trần Đề. Từ đó, Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực như Dịch vụ logistics cảng biển; Về hạ tầng công nghiệp – đô thị đã quy hoạch phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích gần 5.000 ha và 18 cụm công nghiệp với diện tích gần 1.000 ha. Tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Đại Ngãi với diện tích 200 ha; Khu công nghiệp Mỹ Thanh với diện tích 217 ha; Khu công nghiệp Sông Hậu diện tích 286 ha, Khu kinh tế Trần Đề lên đến 40.000 ha.
Về nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Sóc Trăng ưu tiên thu hút vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Về du lịch, tỉnh tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.
“Với những tiềm năng, lợi thế như đã giới thiệu nêu trên, Sóc Trăng rất có triển vọng để hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực. Theo thông tin, Tập đoàn CFHEC là là doanh nghiệp chủ chốt của Fortune 500, Top 500 thế giới; giàu kinh nghiệm cung cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên thế giới, nhất là các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng và vận hành đường cao tốc, sân bay, đường sắt... Sóc Trăng mong muốn Tập đoàn nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm cảng biển, hạ tầng, năng lượng tái tạo
Trao đổi tại buổi tiếp đoàn công tác tỉnh Sóc Trăng, ông Lý Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 (CFHEC) chia sẻ, Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 trực thuộc Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), một tập đoàn nằm ở vị trí thứ 63 trong danh sách Fortune 500 toàn cầu và đứng thứ 3 trong danh sách các nhà thầu quốc tế do ENR của Mỹ bình chọn, liên tục đứng đầu châu Á suốt 16 năm.
CFHEC là đơn vị trực thuộc hàng đầu của CCCC, đồng thời là một trong những nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng lớn nhất thế giới, chuyên về đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng tái tạo, công trình lấn biển, khu công nghiệp. “Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tổng thể từ đầu tư tài chính, tư vấn quy hoạch, thiết kế xây dựng đến quản lý vận hành cho khách hàng trong các lĩnh vực "đất, biển, hàng không, đường sắt. Chúng tôi có hơn 50 công ty con với nhiều chuyên môn riêng, hơn 25.000 nhân viên, tổng tài sản vượt 28 tỷ USD, doanh thu hàng năm vượt 18 tỷ USD, và ký hợp đồng mới gần 40 tỷ USD mỗi năm ", ông Lý Anh Tuấn giới thiệu.
CFHEC hoạt động tại Việt Nam từ năm 2022, với phạm vi kinh doanh bao gồm cầu đường, điện gió, phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng đô thị. Vị này nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tham gia sâu hơn vào đầu tư xây dựng hạ tầng tại tỉnh Sóc Trăng, không chỉ cung cấp các dự án hạ tầng chất lượng cao mà còn đảm bảo các dịch vụ kèm theo để góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao mức sống của người dân.
Tổng giám đốc CFHEC nói rằng, Tập đoàn sẵn sàng phát huy lợi thế toàn diện và dịch vụ tích hợp trong các lĩnh vực hạ tầng bao gồm cảng biển, đường bộ, năng lượng tái tạo, đô thị tổng hợp, tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tại tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, Tập đoàn tham gia vào các dự án cảng nước sâu thông minh, kho vận và khu công nghiệp trong khu cảng, dự án lấn biển để thúc đẩy phát triển kinh tế công nghiệp trong tỉnh; thông qua các dự án điện gió, điện mặt trời, đốt rác phát điện và lưu trữ năng lượng, cung cấp các giải pháp cho vấn đề thiếu hụt điện năng tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các vấn đề thúc đẩy các dự án hạ tầng đô thị, quản lý đô thị tổng hợp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị và ứng phó với thiên tai và bão lụt.
Trước đó, trong chuyến công tác Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Tại buổi làm việc, ông Lâm Văn Mẫn đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Ông Mẫn cho biết, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch của tỉnh Sóc Trăng với Trung Quốc chiếm khoảng 1,5% - 2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (khoảng 30 triệu USD/năm). Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản và gạo.
Vì vậy, để khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị lãnh đạo tỉnh Sơn Đông quan tâm, ủng hộ doanh nghiệp hai bên chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại đối với các mặt hàng chất lượng cao, thế mạnh của mỗi bên, bao gồm trái cây, thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến, … của tỉnh Sóc Trăng cũng như các mặt hàng có ưu thế của tỉnh Sơn Đông.
Tham gia đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng tại buổi làm việc với Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 (Trung Quốc), Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
“Cách đây không lâu, đoàn công tác của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM do Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường dẫn đầu gồm hơn 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến Sóc Trăng. Tại đây, các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã được hai bên thực hiện. Tại các cuộc giao thông, các doanh nghiệp Trung Quốc đều đánh giá tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều tiềm năng để hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng, cảng biển, logistics, nông nghiệp chất lượng cao…Và lần này, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Sóc Trăng”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói rằng, phát triển hạ tầng, logistics, năng lượng tái tạo là những vấn đề lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm. Để thực hiện được công việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, kỹ thuật chất lượng cao. Vì thế, lãnh đạo tỉnh luôn muốn kêu gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm đánh giá, chuyến đi này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông với tỉnh Sóc Trăng và các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Ông Lý Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 (CFHEC) nhấn mạnh: Hiện tại, chúng tôi đang tích cực theo dõi các dự án như cảng nước sâu Trần Đề và các tiện ích kèm theo, lấn biển, điện gió, khu công nghiệp… tại tỉnh Sóc Trăng”.