Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ sẽ sớm 'cất cánh'?

Việc ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng khiến những người theo đuổi chiến dịch bảo vệ khí hậu băn khoăn nhưng lại đưa đến sự tự tin cho các công ty dầu mỏ đang lo ngại về một tương lai không phát thải.

Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0. Ảnh: THX/TTXVN

Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tạp chí La Tribune (Pháp), trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ kéo dài nhiều tháng vừa qua, tỷ phú Donald Trump đã không ít lần cam kết sẽ cung cấp sự hỗ trợ rộng rãi cho ngành công nghiệp dầu mỏ quốc gia, thông qua ưu đãi thuế và dỡ bỏ các hạn chế khai thác.

Tổng thống đắc cử Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng vào đầu năm 2025. Chiến thắng của ông khiến những người theo đuổi chiến dịch bảo vệ khí hậu băn khoăn nhưng đã đem lại sự tự tin cho các công ty dầu mỏ vốn đang lo ngại về một tương lai không phát thải carbon. Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã hứa hẹn nhiều hành động có lợi cho lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Mỹ, sau khi Chính phủ của Tổng thống Joe Biden ban hành nhiều biện pháp hạn chế sự gây hại cho môi trường và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Theo báo chí Mỹ, doanh nhân, tỷ phú, nhà hoạt động chính trị Donald Trump có sự liên hệ mật thiết với ngành công nghiệp dầu mỏ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã hỗ trợ hàng tỉ USD cho chuyến dịch tranh cử của ông trong bữa tiệc tối vận động quyên góp tổ chức ở bang Florida vào tháng 4/2024.

Ông Trump đã hứa mang lại những lợi ích lớn hơn cho ngành công nghiệp dầu mỏ thông qua chính sách thuế ưu đãi và bãi bỏ một số quy định giới hạn khắt khe. Mục tiêu mà ông nêu ra là thúc đẩy sản xuất nội địa.

Theo đánh giá của tổ chức truyền thông khí hậu Climate Power, những khoản quyên góp chính thức từ các nhà vận động hành lang dầu mỏ trong chiến dịch tranh cử mới đây nhất của ông Trump, cũng như cho Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa và các ủy ban trực thuộc, đã đạt hơn 75 triệu USD. Trong số đóng góp đó phải kể đến các tỷ phú năng lượng như Harold Hamm (Continental Resources), Kelcy Warren (Energy Transfer Partners) và Jeffery Hildebrand (Hilcorp Energy Co.) với số tiền lên tới hơn 15 triệu USD.

Khoảng 60 triệu USD còn lại đến từ các công ty khai thác mỏ, công ty kỹ thuật, quỹ đầu cơ và một số công ty ít tên tuổi hơn cũng trong lĩnh vực năng lượng. Theo nhóm giám sát OpenSecrets, rõ ràng các đại gia dầu mỏ là một trong những nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Nếu giữ đúng cam kết, Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ nhanh chóng đi đến quyết định hủy bỏ các quy định hạn chế khoan dầu ở phần Bắc Cực của Alaska do Chính quyền Tổng thống Biden ban hành. Ông cũng sẽ cho tổ chức đấu thầu để có thêm quyền khai thác dầu ở Vịnh Mexico. Ngoài ra, còn một biện pháp khác được ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ háo hức chờ đợi: dỡ bỏ lệnh đóng băng tạm thời giấy phép khai thác đối với các trung tâm mới dành riêng cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Washington chỉ mới ban hành vào đầu năm 2024.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump, ngành dầu mỏ Mỹ sẽ chứng kiến sự “phục hưng” mạnh mẽ, tạo ra thách thức cho mọi vấn đề môi trường. Cách mạng khí đốt và dầu đá phiến đã đưa Mỹ vào thế cực kỳ thuận lợi. Nếu như năm 2010, dầu Mỹ chỉ chiếm 9% thị phần dầu toàn cầu thì nay quốc gia này đang nắm giữ gần 20% thị phần. Con số như vậy đủ để đưa Mỹ lên vị trí nhà sản xuất dầu hàng đầu toàn cầu. Sản lượng của các nhà khai thác dầu mỏ Mỹ hiện ở mức khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày. Và điều tương tự cũng diễn ra đối với mặt hàng khí đốt. Trong vòng 15 năm, Mỹ đã đi từ vị trí không xuất khẩu khí đốt trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, trên cả Qatar.

Tuy nhiên, việc đẩy mức sản xuất dầu lên cao hơn nữa sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trên thực tế, ngành công nghiệp này sẽ phải có những khoản đầu tư rất lớn, bởi tuổi đời của một giếng dầu thông thường chỉ đạt khoảng ba năm. Hơn nữa, các giếng dầu ở Mỹ chỉ có chất lượng trung bình.

Chuyên gia Ahmed Ben Salen của Oddo nhận định: “Mỹ còn dư địa để cải thiện, nhưng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào giá cả. Nếu giá dầu trên thị trường toàn cầu thấp hơn chi phí sản xuất cận biên của Mỹ thì việc đầu tư vào sản xuất sẽ không còn phù hợp. Trong khi đó, không loại trừ khả năng Saudi Arabia sẽ quyết định tham gia vào một cuộc đua về giá cả.

Ngày 6/11, sau khi có thông báo sơ bộ về kết quả bầu cử Mỹ, giá cổ phiếu của các ông lớn dầu mỏ trên sàn chứng khoán châu Âu tăng vọt. Nhưng đến giữa ngày, các cổ phiếu này đã quay đầu “lao dốc”. British BP chứng kiến cổ phiếu “bốc hơi” 2,2%, trong khi cổ phiếu TotalEnergies mất gần 3% so với mức cao đạt được trước đó.

Điều này có vẻ phản trực giác vì ông Trump nhìn chung ủng hộ ngành công nghiệp dầu mỏ. “Lúc đầu thị trường rất yên tâm. Nhưng sau đó, có thể giả định rằng thị trường dự đoán có sự gia tăng các rào cản hải quan, điều này tạo ra nguy cơ dẫn đến sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và do đó làm giảm nhu cầu dầu,” chuyên gia Ahmed Ben Salem phân tích.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-cong-nghiep-dau-mo-my-se-som-cat-canh/353293.html