Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận: Kiên quyết xử lý công trình xây dựng trái phép
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai vùng quy hoạch.
Ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 12/3, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đã chủ trì buổi làm việc với cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường trong tỉnh; UBND các huyện, thị, thành phố về triển khai Luật Đất đai năm 2024; tăng cường quản lý nhà nước và cải cách hành chính trên lĩnh vực đất đai.
Theo báo cáo tại buổi làm việc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, tính đến thời điểm này, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các nội dung quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định quy định chi tiết.
Đối với việc xử lý các dự án chậm triển khai, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung phối hợp với các ban, ngành và địa phương rà soát thực hiện thu hồi đất dự án vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn toàn tỉnh đối với 37 dự án (diện tích là 1.032,5 ha); gia hạn sử dụng đất thu tiền bổ sung 24 tháng do chậm đưa đất vào sử dụng và chậm tiến độ đầu tư 71 dự án, với tổng diện tích 1.124,7 ha (số liệu tính từ năm 2016 đến 31/12/2023).
Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc Sở cũng đã tiếp nhận 439 đơn đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai trong năm 2023; qua phân loại, số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết là 347 đơn, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường 37 đơn, thuộc thẩm quyền của các đơn vị thuộc Sở 310 đơn. Sở đã tham mưu UBND tỉnh và giải quyết 33/37 đơn, đạt tỉ lệ 89,2%; các đơn vị thuộc sở đã giải quyết 278/310 đơn, đạt tỉ lệ 89,7%.
Không để xảy ra tiêu cực trong giải quyết hồ sơ đất đai
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An lưu ý, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện cần tăng cường công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực đất đai nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hồ sơ đất đai tại bộ phận một cửa cấp xã, cấp huyện, Trung tâm hành chính công của tỉnh.
Việc giải quyết hồ sơ TTHC cần phải được thực hiện theo đúng thời hạn giải quyết ghi trong hồ sơ, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ trễ hẹn, đặc biệt không để xảy ra tiêu cực trong giải quyết hồ sơ đất đai. Trong trường hợp hồ sơ trễ hẹn, cần làm rõ trách nhiệm thuộc bộ phận nào, từ đó tìm hướng khắc phục và có quy trình giải quyết phù hợp cho người dân. Thực hiện tốt việc này, sẽ tạo ra sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi làm hồ sơ đất đai tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân; áp dụng linh động trong việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến động đất đai đối với những hộ hiến đất làm đường giao thông, kênh thủy lợi. Các địa phương khắc phục triệt để việc trả hồ sơ nhiều lần, gây phiền hà cho dân.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai vùng quy hoạch, đất có nguồn gốc đưa ra khỏi quy hoạch 03 loại rừng, các công trình xây dựng trái phép. Cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác quản lý, cải cách TTHC về đất đai, nâng cao hiệu quả công việc này, tạo sự hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa. Cần thay thế cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực liên quan đến đất đai.
Đối với việc triển khai Luật Đất đai năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh các văn bản phù hợp theo hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho các tổ chức, cá nhân, tính tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất.