Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng: Chỉ vô tình chạm vào một quảng cáo, nhận ngay 40 - 50 cuộc điện thoại

Ông Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nêu thực tế tình trạng lộ, lọt thông tin, lợi dụng dữ liệu cá nhân đang là vấn đề rất bức xúc.

Chiều 12-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân gây bức xúc trong xã hội.

Ông Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ảnh: Phạm Thắng

Theo một số đại biểu (ĐB), trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và sự bùng nổ của các công nghệ số thế hệ mới, dữ liệu cá nhân không chỉ là tài sản riêng tư của mỗi công dân, mà còn là tài nguyên chiến lược quốc gia, gắn chặt với quyền con người, quyền công dân và an ninh quốc gia. Vì vậy, bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu tất yếu của một Nhà nước pháp quyền, của một nền kinh tế số an toàn và một xã hội số văn minh.

Vừa xuống sân bay đã có người gọi điện "anh có đi taxi về không?"

Phát biểu ý kiến, ĐB Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nêu thực tế tình trạng lộ, lọt, lợi dụng dữ liệu cá nhân đang là vấn đề rất bức xúc, nóng hổi. Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng là vô cùng khó. Theo ông Cường, kể cả những lãnh đạo cấp cao cũng bị các đối tượng sử dụng trang mạng, thậm chí các dữ liệu cá nhân cũng bị lộ lọt từ những nguồn khó xác định.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, chúng ta đang sống trong môi trường số, do đó việc làm thế nào để bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... Đặc biệt, khi luật hóa thì những trường hợp bị lộ, bị lợi dụng, sử dụng với mục đích khác thì xử lý thế nào?

ĐB Quảng Minh Cường dẫn chứng khi đi siêu thị, khi mua hàng bị yêu cầu phải đọc số điện thoại. Hay khi đi máy bay trên vé cũng có số điện thoại, vừa xuống đến cửa sân bay đã có người gọi điện "anh có đi taxi về không?".

"Chỉ vô tình chạm vào một quảng cáo nào đó về mua nhà, ngay ngày hôm đó có 40 - 50 cuộc điện thoại gọi đến, giới thiệu tất cả các dự án. Đây là một hình thức lộ lọt thông tin. Do đó, cơ quan chức năng cần làm thế nào để công dân được đảm bảo dữ liệu cá nhân"- ĐB Cường đề nghị.

ĐBQH Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai). Ảnh: Quỳnh Chi

ĐBQH Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai). Ảnh: Quỳnh Chi

Cần xác lập cơ quan chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Hoan nghênh việc dự thảo Luật ghi nhận 11 quyền cơ bản của chủ thể dữ liệu (Điều 8), ĐBQH Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đánh giá đây là bước tiến đáng kể trong bảo vệ quyền con người, song lưu ý "quyền cần đi kèm với nghĩa vụ và giới hạn" để không gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp đang xử lý dữ liệu hợp pháp.

Về căn cứ xử lý hợp pháp, nữ đại biểu tỉnh Lào Cai nhìn nhận sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là trung tâm, song cần bảo đảm sự hiểu biết và tự nguyện thực chất. Dẫn Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR), đại biểu cho biết sự đồng ý phải rõ ràng, cụ thể, được thông tin đầy đủ và có thể rút lại bất cứ lúc nào. "OECD cũng khuyến nghị không nên coi "đồng ý" là căn cứ duy nhất". Do vậy, luật này cần quy định rõ tiêu chí xác lập sự đồng ý hợp lệ.

Về xử lý vi phạm, cơ chế thực thi và cơ quan quản lý nhà nước, ĐB Lê Thu Hà nhấn mạnh "cần xác lập cơ quan chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân - độc lập, có thẩm quyền điều tra, thanh tra, xử phạt, hướng dẫn thi hành và phối hợp liên ngành".

Đơn cử như EU có Cơ quan Giám sát dữ liệu và hệ thống cơ quan độc lập tại các nước thành viên; Nhật Bản có Ủy ban Thông tin cá nhân quốc gia; Hàn Quốc đã nâng cấp cơ quan Bảo vệ dữ liệu lên cấp quốc gia từ năm 2020.

Tại Việt Nam, đại biểu Hà đề nghị cần xác định rõ cơ quan chủ trì - có thể là đơn vị độc lập hoặc thuộc Bộ Công an, nhưng phải được trao đủ năng lực và nguồn lực. "Cơ quan này cần làm đầu mối điều phối giữa các bộ, ngành và thực hiện vai trò quốc gia trong hợp tác quốc tế".

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-thu-tinh-uy-cao-bang-chi-vo-tinh-cham-vao-mot-quang-cao-nhan-ngay-40-50-cuoc-dien-thoai-196250512174232971.htm