Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 16-4, Hội nghị lần thứ 3 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và đóng góp ý kiến vào việc triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác quý II-2021, đồng thời tập trung góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về 'xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh Gia Lai đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ'.
Kết quả khả quan
Tại hội nghị, đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và phương hướng, nhiệm vụ công tác quý II-2021. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, tỉnh ta đã cơ bản kiểm soát, khống chế dịch bệnh, góp phần duy trì phát triển ổn định kinh tế-xã hội.
Kết thúc vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh gieo trồng được 77.090 ha cây trồng các loại (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.525 tỷ đồng (tăng 15,18%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 17.154 tỷ đồng (tăng 0,22%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 160 triệu USD (tăng 45,19%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 13.996 tỷ đồng (tăng gấp 2,45 lần so với cùng kỳ năm 2020). Trong quý I có 220 doanh nghiệp (tăng 4,1%) và 48 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.185 tỷ đồng (tăng 7,2%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.530 tỷ đồng (tăng 25,66% so với cùng kỳ năm ngoái)...
Song song với đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho đối tượng thụ hưởng; đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo cũng được tiếp tục quan tâm. Các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang tỉnh triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững ổn định an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chú trọng, nhất là tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát ngày càng nâng cao; công tác dân vận của cả hệ thống chính trị được chú trọng. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục hướng mạnh về cơ sở.
Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế
Bên cạnh sự phấn khởi trước những kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Gợi ý thảo luận tại hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh-nhấn mạnh: Trong 3 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ song số người chết lại tăng so với cùng kỳ. Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và khung giá rừng chậm hoàn thành.
Thêm vào đó, theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vừa được công bố, Gia Lai đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố, giảm 8 bậc so với năm 2019. Điều này chứng tỏ trách nhiệm người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương chưa cao, chưa chủ động xử lý và phối hợp xử lý công việc thuộc thẩm quyền.
Lý giải về việc tụt hạng chỉ số PCI, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho biết: Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tỉnh có 3 chỉ số bị giảm điểm. Cụ thể, tính minh bạch giảm 0,21 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 1,59 điểm, đào tạo lao động giảm 0,95 điểm so với năm 2019. Điều này kéo theo xếp hạng PCI của tỉnh giảm 8 bậc so với năm trước.
Nguyên nhân thứ nhất là bởi trong năm 2020, tỉnh có 2 lĩnh vực phát triển mạnh nhất là điện mặt trời áp mái và chăn nuôi nhưng ở những lĩnh vực này lại chưa có các đơn vị tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thứ hai, nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay là lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi đội ngũ lao động ở tỉnh ta chủ yếu là lao động phổ thông.
“Đây là kết quả đáng buồn song cũng phản ánh đúng thực chất về mặt hạn chế mà tỉnh đang gặp phải. Vì vậy, thời gian đến, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các sở, ngành trao đổi, bàn giải pháp phù hợp, hiệu quả để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong năm nay cũng như những năm tiếp theo”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Liên quan đến quản lý nguồn thu ngân sách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nêu thắc mắc: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 đơn vị kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, chỉ có 4 đơn vị nộp thuế bảo vệ môi trường cho tỉnh. Số còn lại vì sao không phải nộp, trong khi nếu thu đủ thì chắc chắn ngân sách sẽ tăng?”
Giải trình ý kiến trên, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lê Minh Nhựt cho hay: Các đơn vị kinh doanh xăng dầu có nhiều khoản phải nộp thuế theo luật thuế hiện hành. Riêng đối với thuế bảo vệ môi trường, theo quy định, chỉ có các đơn vị nhập khẩu xăng dầu đầu mối mới có nghĩa vụ khai nộp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 đơn vị thuộc trường hợp này. Ngành Thuế đã và đang phối hợp với các sở, ngành liên quan vận động những đơn vị còn lại thành lập chi nhánh ở Gia Lai để tăng thu ở khoản thuế này.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh thông tin thêm: “Theo thống kê, chúng ta bị thất thu từ nguồn thuế dịch vụ môi trường xăng dầu mỗi năm gần 200 tỷ đồng. Từ tháng 9 đến tháng 12-2020, ngành Công thương đã phối hợp với ngành Thuế làm việc với các đơn vị về việc thành lập chi nhánh tại Gia Lai. Tính đến cuối năm 2020, gần 50% số đơn vị đã chuyển về tỉnh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho tỉnh gần 100 tỷ đồng. Riêng một số đơn vị còn gặp vướng mắc, chúng tôi đang tiếp tục cùng với ngành Thuế tham mưu tháo gỡ”.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, so với năm trước, tình hình thu ngân sách của tỉnh đã có những tín hiệu khả quan. “Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kết quả thu ngân sách trong quý I có sự tăng trưởng tích cực. Tính đến ngày 15-4, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Với tốc độ này, cùng với việc tích cực triển khai các nhóm giải pháp quản lý, tăng thu, tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách 5.047 tỷ đồng mà HĐND tỉnh giao trong năm 2021”-Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng nhận định.
Một vấn đề khiến các ngành, địa phương tỏ ra quan ngại là thời gian gần đây, việc vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến hết sức phức tạp, có tính chất manh động. Trước thực trạng đó, các địa phương liên quan đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Các đại biểu cũng đề xuất tỉnh cần sớm tổ chức cơ cấu, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và nên giao về cho cấp huyện quản lý để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng; tình trạng phân lô bán nền ở một số địa phương; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ và tai nạn giai thông trong thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số... cũng được hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện.
Đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu bế mạc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị ngay sau hội nghị, các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức trách, nhiệm vụ được giao và phạm vi trách nhiệm của mình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong tình hình mới. Trong đó, phải triển khai quyết liệt các dự án đang đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội; tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang đầu tư vào tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2021. Hoàn thành và báo cáo kết quả việc rà soát 3 loại rừng, ban hành quy định khung giá rừng; chuẩn bị các điều kiện để phát động trồng rừng theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và chủ trương của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu mùa mưa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp và những cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm.
Trong quý II-2021, tham mưu tổ chức hội nghị cấp tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án chậm so với kế hoạch; xem xét thay thế các chủ đầu tư có năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm. Đánh giá lại việc thực hiện các chủ trương, đề án, phương án đã đưa vào quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện trong thời gian dài.
Song song với việc tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng-chống dịch Covid-19, quản lý, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, phải triển khai tốt việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và bạch hầu theo đúng quy định. Tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn để giảm thiểu tai nạn giao thông; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, tập trung nhiều hơn tại các địa phương thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong thanh-thiếu niên. Kiên quyết trấn áp, xử lý đối với các loại tội phạm hình sự, giữ gìn thật tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; lưu ý đến tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm hoạt động băng nhóm.
Cùng với đó, tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra; nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp đến thành công tốt đẹp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, bám nắm địa bàn, nắm vững quy định của pháp luật về bầu cử; chuẩn bị thật tốt điều kiện cơ sở vật chất; hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu danh sách ứng cử viên chính thức; giải quyết kịp thời, triệt để đơn thư kiến nghị, tố cáo; đồng thời kiểm soát tốt công tác phòng-chống dịch Covid-19 và có phương án trong tình huống xấu nhất để có kế hoạch trước, trong và sau ngày bầu cử; đảm bảo ngày bầu cử Quốc hội và HĐND trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng quy định và thực sự là ngày hội của toàn dân. Ngoài ra, cần chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp sau ngày bầu cử.