Bỉ tiếp tục chuyển giao LNG của Nga trước lệnh cấm vào năm tới

Bỉ đang nối lại hoạt động trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang châu Á sau thời gian tạm lắng vào mùa hè. Hoạt động vốn được quốc gia này thực hiện trong nhiều năm, tuy nhiên gần đây đã trở thành đề tài gây tranh cãi hơn trước lệnh cấm vào năm 2025.

Dự kiến vào cuối tháng 10, hai tàu LNG Dubhe và LNG Phecda sẽ chất đầy LNG của Nga tại nhà ga Zeebrugge của Bỉ sau khi hai tàu giao nhiên liệu đến cảng vào cùng thời điểm, dữ liệu trên trang web của cảng cho thấy.

Đây là những lần chuyển nhiên liệu đầu tiên từ nhà máy LNG Yamal của Nga kể từ tháng 8.

 Ảnh minh họa: Theo Oilprice.

Ảnh minh họa: Theo Oilprice.

Hoạt động trung chuyển đã được sử dụng để vận chuyển nhiên liệu từ cơ sở ở phía bắc nước Nga đến châu Á chủ yếu vào mùa đông và liên quan đến việc chuyển hàng hóa từ các tàu hạng băng sang các tàu thông thường tại các cảng châu Âu.

Từ tháng 10 cho đến cuối mùa xuân, Nga thường không thể sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc ngắn hơn để vận chuyển LNG đến châu Á vì băng dày chặn biển.

Tuy nhiên, thực tế này sẽ thay đổi khi mùa sưởi ấm hiện tại kết thúc, vì Liên minh châu Âu sẽ cấm vận chuyển LNG của Nga tại các cảng của mình kể từ cuối tháng 3/2025.

Một số thành viên EU, bao gồm các nước nhập khẩu LNG hàng đầu của Nga như Pháp và Bỉ, đang kêu gọi theo dõi chặt chẽ hơn đối với nhiên liệu này để giúp loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nó.

Vẫn chưa có lệnh cấm toàn EU đối với LNG của Nga đến khu vực này để phục vụ nhu cầu của riêng họ. Việc mua nhiên liệu thậm chí còn tăng lên sau xung đột ở Ukraine, mặc dù tổng lượng năng lượng nhập khẩu từ quốc gia này đã giảm.

Mặc dù đã giảm phụ thuộc, nhưng trong thời gian gần đây, tình hình nhập khẩu khí đốt từ Nga lại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga đang dần chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường châu Âu.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), lượng nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 18% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga qua đường ống cũng tăng trong sáu tháng đầu năm 2024.

Điều này cho thấy châu Âu không chỉ chưa tiến gần đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2027 mà còn đang đi ngược lại xu hướng này.

Việc châu Âu giảm hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt Nga trong vài năm tới vẫn còn là một thách thức lớn. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc cắt giảm dầu mỏ Nga, nhưng LNG và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng khó thay thế trong ngắn hạn, đặc biệt khi nhập khẩu từ Nga đang tiếp tục tăng lên.

Lê Na (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-tiep-tuc-chuyen-giao-lng-cua-nga-truoc-lenh-cam-vao-nam-toi-post317802.html