Bị tố 'thừa nước đục thả câu' ở Biển Đông: Trung Quốc nói gì?
Phát ngôn của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh nước này liên tục có động thái leo thang căng thẳng quân sự ở Biển Đông trong thời gian qua.
Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 24-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này không lợi dụng tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực để mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông, theo tờ The Straits Times.
Cụ thể, quan chức này cho rằng "không có bằng chứng" để chứng minh lập luận trên. Trong khi đó, các máy bay và tàu Trung Quốc đang liên tục di chuyển qua Biển Đông để chở hàng viện trợ đến các quốc gia thuộc khối ASEAN. "Trung Quốc đã và đang hợp tác chặt chẽ với các nước xung quanh để chống dịch COVID-19", ông Vương nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố chính những "quốc gia ngoài khu vực" mới là bên cố tình cản trở quan hệ hợp tác giữa nước này với ASEAN khi liên tục gửi tàu chiến và chiến đấu cơ đến Biển Đông.
"Ý đồ mờ ám và hành vi không chính trực của những nước này đang gây chia rẽ ASEAN và Trung Quốc cũng như làm ảnh hưởng đến ổn định khu vực" - ông Vương khẳng định.
Dù vậy, The Straits Times cho biết nhiều chuyên gia không đồng tình với phát ngôn của Ngoại trưởng Vương khi chỉ ra rằng các động thái quân sự gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn có chủ đích và nhiều khả năng đã được lên kế hoạch trước cả khi COVID-19 bùng phát.
Phản ứng của Mỹ
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng khẳng định Bắc Kinh đang cố tình lợi dụng "sự hỗn loạn do dịch COVID-19 gây ra" để lấn sân trên Biển Đông.
Trong khi đó, đài Fox News mới đây dẫn lời Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách các vấn đề Đông Nam Á - ông Reed Werner cho biết sau khi Lầu Năm Góc buộc phải rút USS Theodore Roosevelt về Guam, Trung Quốc lập tức tăng cường các động thái quân sự trên Biển Đông.
USS Theodore Roosevelt là một trong hai tàu sân bay thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bên cạnh tàu USS Ronald Reagan hiện đang được bảo dưỡng ở căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản).
Đơn cử, chiến đấu cơ Trung Quốc được ông Werner khẳng định đã quấy rối các máy bay trinh sát của Mỹ "ít nhất chín lần" ở khu vực này.
"Chúng tôi rất quan ngại những diễn biến hiện tại. Chúng tôi tiếp tục thấy Bắc Kinh gây bất ổn ở Biển Đông. Trong khi các nước xung quanh đang phải tập trung vào các vấn đề nội bộ, Trung Quốc đang lan rộng ảnh hưởng ra bên ngoài" - ông Reed Werner nói.
Trung Quốc vẫn leo thang căng thẳng ngoài thực địa
Các diễn biến ngoài thực địa cũng cho thấy một thực trạng mâu thuẫn với phát ngôn của ông Vương Nghị. Chỉ trong gần ba tháng gần đây, Trung Quốc đã có hàng loạt các động thái gây căng thẳng trên Biển Đông với tần suất dày đặc hơn so với trước.
Đơn cử, Trung Quốc từ đầu tháng 2 đã cho nhiều máy bay quân sự và máy bay ném bom bay sát eo biển Ba Sĩ nối liền Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương, hãng tin AP cho biết.
Đến ngày 3-4, một tàu hải cảnh Trung Quốc bất ngờ đâm chìm một tàu cá Việt Nam hoạt động hợp pháp tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam sau đó đã gửi công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm vụ việc và phải có trách nhiệm bồi thường.
Ngày 12-4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát hiện tàu sân bay Liêu Ninh cùng một loạt tàu hộ tống của Trung Quốc băng qua eo biển Miyako để tiến về Biển Đông tập trận, tờ South China Morning Post đưa tin. Các tàu này diễn tập đến ngày 30-4 thì quay về cảng Thanh Đảo.
Ngày 18-4, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận Nam Sa” và “quận Tây Sa”. Đây là hai đơn vị hành chính trực thuộc “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc muốn dùng để quản lý hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam cùng các khu vực xung quanh, theo tờ South China Morning Post.
Một ngày sau, tờ Hoàn Cầu Thời báo đưa tin nước này tiếp tục công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" để đặt tên chính thức cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông. Ngoài đặt tên trái phép, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể này.
Ngày 23-4, nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc tiến hành tiếp cận và quấy rối tàu thăm dò dầu West Capella của tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, hãng tin Reuters cho biết. Đây cũng chính là con tàu đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào năm ngoái. Tàu này chỉ chính thức rời đi vào khoảng giữa tháng 5.
Ngày 4-5, Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố Trung Quốc đang có ý định lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, dù chưa rõ thời điểm cụ thể Bắc Kinh sẽ triển khai kế hoạch này, theo tờ Taiwan News.
Ngày 15-5, ảnh chụp của công ty vệ tinh Israel ImageSat International (ISI) cho thấy Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên điều hàng loạt máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và trực thăng đa nhiệm Z-8 ra bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng gấp rút quân sự hóa xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép trên cả ba bãi Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.