Bị trừ hết điểm phải thi lại bằng lái xe là hợp lý
Chiều 22/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thông tin về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Theo ông Tới, ở nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
UBTVQH cũng cho biết, một số ĐBQH đề nghị quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe trong Luật, không giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời, đề nghị quy định cho phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Giao Bộ GTVT sát hạch người bị trừ hết điểm bằng lái
Góp ý về dự thảo Luật TTATGT đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre ) đánh giá đây là điểm mới, một số nước đang có quy định theo hướng này.
Hiện nay, khi bị tước GPLX có thời hạn, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, gây ảnh hưởng đến đời sống. Việc trừ điểm GPLX sẽ hạn chế việc tước GPLX, tài xế vẫn có thể điều khiển phương tiện giao thông.
Song, ở khoản 3 điều này có quy định nếu GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức.
Theo đại biểu, việc này nên giao cho Bộ GTVT vì theo khoản 8 điều 60, khoản 7 điều 61 của Luật Đường bộ, Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp GPLX.
Quan tâm nội dung trừ điểm GPLX, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị cần làm rõ , đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.
Cá nhân đại biểu cho rằng đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào khoản 2 theo hướng người có hành vi vi phạm giao thông vừa phải chịu xử phạt hành chính kèm theo bị trừ điểm GPLX.
Đối với trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo Luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm.
"Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì GPLX này có còn hiệu lực hay không? Cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì GPLX đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ hai điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại", đại biểu Tám đề xuất.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, quy định chặt chẽ và có tính răn đe cao hơn đối với người vi phạm liên tục cùng một lỗi.
Bà Khánh phân tích, về điểm trên giấy phép lái xe tại Điều 58 của dự thảo luật, nên bổ sung quy định này như phân tích của các đại biểu đã phát biểu. Tuy nhiên cần quy định chặt chẽ và có tính răn đe cao hơn đối với những người vi phạm liên tục cùng một lỗi, tránh trường hợp giấy phép lái xe đã bị trừ hết điểm và kiểm tra lại được tham gia giao thông.
“Do đó, tại khoản 3 Điều 5, đại biểu đề nghị quy định thêm tình tiết tăng nặng, vi phạm 2 năm liên tục có thể tạm thời tước giấy phép. Trong đó quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết”, bà Khánh nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, dự thảo Luật mới nhất đã được tiếp thu, bổ sung 5 Điều mới và bày tỏ quan tâm đến quy định điểm của giấy phép lái xe tại Điều 58. Đại biểu cho rằng, quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết.
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số.
Về quy định điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe, Điều 58 dự thảo Luật quy định về điểm trừ và trừ điểm giấy phép lái xe là quy định mới được quy định trong dự thảo Luật. Đây là một biện pháp quản lý nhà nước vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục.
“Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm”, ông Hải nói.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.
“Qua đó đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Về về bản chất, đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính”, ông Hải phân tích.
Điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý văn minh
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về điểm của giấy phép lái xe, nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe. Tiếp thu ý kiến, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của Giấy phép lái xe.
"Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta", ông Tới nói.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng quy định các hạng giấy phép lái xe tại khoản 1 Điều 57 theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ.
Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp phải cấp lại, mới cấp theo quy định của Luật này, nên không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe.
“UBTVQH cũng đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của giấy phép lái xe. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta”, ông Tới nói.
Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe. Trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
“Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Việc này sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe”, báo cáo UBTVQH nêu.
Về đấu giá biển số xe, UBTVQH thấy rằng, sau thời gian bước đầu thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 vào dự thảo Luật TTATGTĐB là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số.
Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp với nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân muốn có biển số xe theo ý thích.