Bị từ chối thông quan vì sáp nhập: Doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần làm gì?

Việc Việt Nam bắt đầu áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025 đang đặt các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc trước nguy cơ bị gián đoạn xuất khẩu nếu không kịp thời cập nhật địa chỉ, thông tin pháp nhân trên hệ thống đăng ký theo Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Hơn 3.800 mã sản phẩm cần cập nhật thông tin

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện nay có tới 3.842 mã sản phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm tại Việt Nam đã được Hải quan Trung Quốc cấp phép nhập khẩu theo Lệnh 248. Trong đó, khoảng 1.500 mã thuộc nhóm 18 mặt hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, do các cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam phụ trách như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục An toàn thực phẩm, Cục Xuất nhập khẩu… Số còn lại hơn 2.000 mã sản phẩm thuộc nhóm nguy cơ thấp, do doanh nghiệp tự đăng ký trên hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc.

Theo quy trình hiện tại, khi đăng ký xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần khai báo địa chỉ chính xác của công ty, nhà máy sản xuất, cơ sở chế biến trên hệ thống CIFER. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, khi Việt Nam thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), địa chỉ hành chính của nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi so với hồ sơ đã đăng ký trước đó. Sự thay đổi này có thể dẫn đến sai lệch thông tin trong quá trình thông quan tại các cửa khẩu Trung Quốc nếu doanh nghiệp không cập nhật kịp thời, gây ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng, phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi và ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.

Khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động rà soát toàn bộ hồ sơ xuất khẩu đã đăng ký trên CIFER

Khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động rà soát toàn bộ hồ sơ xuất khẩu đã đăng ký trên CIFER

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết theo Điều 19 của Lệnh 248, nếu trong thời hạn hiệu lực đăng ký, thông tin của doanh nghiệp thay đổi, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ điều chỉnh qua hệ thống đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm của Hải quan Trung Quốc. Hồ sơ điều chỉnh cần gồm: Bảng đối chiếu thông tin thay đổi theo từng mục đăng ký; Các tài liệu chứng minh liên quan đến thông tin thay đổi (giấy tờ xác nhận địa chỉ mới, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với địa chỉ mới…).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xem xét, thẩm định và nếu thông tin phù hợp, sẽ thực hiện thay đổi trên hệ thống để doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu bình thường.

Hỗ trợ doanh nghiệp không gián đoạn xuất khẩu

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang lo lắng, từ ngày 19/6/2025, tại Phiên họp lần thứ 92 của Ủy ban SPS-WTO diễn ra tại Thụy Sĩ, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva làm việc trực tiếp với đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Phái đoàn Thường trực Trung Quốc tại Geneva. Việt Nam chính thức thông báo về việc từ ngày 1/7/2025, hệ thống chính quyền địa phương trong nước sẽ được tổ chức theo mô hình 2 cấp, dẫn tới thay đổi địa chỉ doanh nghiệp đã đăng ký trên hệ thống CIFER.

Văn phòng SPS Việt Nam đã đề nghị phía Hải quan Trung Quốc phối hợp, hỗ trợ cập nhật thông tin địa chỉ doanh nghiệp theo cơ chế linh hoạt, không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc theo quy định của Lệnh 248. Đồng thời, Văn phòng SPS Việt Nam cũng đang tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành công hàm gửi chính thức tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất phương án xử lý, đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này.

Ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh, việc cập nhật thông tin địa chỉ trên hệ thống CIFER là bắt buộc, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động rà soát toàn bộ hồ sơ xuất khẩu đã đăng ký trên CIFER, kiểm tra kỹ địa chỉ, thông tin pháp nhân để kịp thời chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định. Trong trường hợp hàng hóa đến cửa khẩu Trung Quốc nhưng gặp vướng mắc liên quan đến địa chỉ doanh nghiệp, mã số đăng ký, doanh nghiệp cần liên hệ ngay với Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh ách tắc, ùn ứ hàng hóa, phát sinh chi phí không cần thiết.

Để hỗ trợ tối đa, Văn phòng SPS Việt Nam cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ điều chỉnh, đồng thời làm việc song phương với phía Trung Quốc để tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248. Đây là một trong những nỗ lực nhằm giữ vững chuỗi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc, duy trì tín nhiệm và uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường lớn này.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bi-tu-choi-thong-quan-vi-sap-nhap-doanh-nghiep-xuat-khau-sang-trung-quoc-can-lam-gi-post1212751.vov