Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng: Siêu đô thị đa trung tâm và khát vọng số 1 khu vực ASEAN

Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh mới nổi lên là siêu đô thị đa trung tâm lớn nhất Việt Nam, có quy mô kinh tế vượt trội, hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hiện đại với khát vọng vươn lên vị trí số 1 khu vực ASEAN. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thành phố cần những đột phá thể chế, chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực, tận dụng tối đa các cơ hội từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành mới như bán dẫn, hydrogen và trung tâm tài chính quốc tế.

Siêu đô thị đa trung tâm và hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hiện đại

Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh mới đã trở thành một “siêu đô thị” với diện tích khoảng 6.772km², dân số 14 triệu người, tổng GRDP đạt khoảng 2,71 triệu tỷ đồng (114,3 tỷ USD), chiếm gần 24% GDP cả nước. Sự hợp nhất này mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo động lực tăng trưởng không chỉ cho vùng Đông Nam Bộ mà còn lan tỏa đến Tây Nam Bộ và toàn quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ Công bố Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ Công bố Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

TP. Hồ Chí Minh mới là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, công nghiệp, thương mại, logistics lớn nhất cả nước với 61 khu công nghiệp, khu chế xuất có tổng diện tích gần 25.000ha, trong đó Bình Dương là trung tâm công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 cả nước và Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm cảng biển, dầu khí, du lịch biển đảo. Trong hệ sinh thái logistics liên vùng hiện đại có cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc, trung tâm phân phối, kết nối đa phương thức đường bộ, đường sắt, đường biển và thủy nội địa.

Các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố hiện nay bao gồm các ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng công nghiệp cho ô tô, điện tử, bán dẫn; sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, hóa dược, cao su, nhựa, vật liệu mới, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, sản xuất thiết bị điện, thuốc, dược liệu.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh, cung ứng linh kiện, phụ tùng cho ngành chủ lực. Công nghiệp nặng, hóa chất tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu với lọc hóa dầu, sản xuất hóa chất, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút từ quốc tế, thúc đẩy các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, R&D, AI, dữ liệu lớn, tự động hóa, sản xuất xanh, đô thị thông minh.

TP. Hồ Chí Minh - Siêu đô thị đa trung tâm và khát vọng số 1 khu vực ASEAN. Ảnh Nguồn: VGP

TP. Hồ Chí Minh - Siêu đô thị đa trung tâm và khát vọng số 1 khu vực ASEAN. Ảnh Nguồn: VGP

Cơ hội cho các ngành kinh tế mới: Bán dẫn vi mạch và hydrogen

Bán dẫn vi mạch đã được TP. Hồ Chí Minh xác định là ngành ưu tiên chiến lược, với nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, hình thành trung tâm nghiên cứu - sản xuất tại Khu công nghệ cao với mục tiêu đến 2030 là tham gia các khâu giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng hệ sinh thái mạnh về bán dẫn, thu hút FDI, phát triển doanh nghiệp nội địa. Sự hội tụ của các trung tâm công nghiệp lớn tạo thuận lợi về logistics, chuỗi cung ứng, kết nối quốc tế, giúp ngành bán dẫn mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh.

Hydrogen, đặc biệt hydrogen xanh, là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi năng lượng. TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận có lợi thế về năng lượng tái tạo, hạ tầng công nghiệp, cảng biển, thuận lợi sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hydrogen. Nhiều dự án lớn về hydrogen xanh đang được triển khai với sự tham gia của các tập đoàn quốc tế, mở ra chuỗi giá trị từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến ứng dụng thực tiễn. Hydrogen đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư, doanh nghiệp hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, vốn, hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo Chiến lược phát triển hydrogen đến 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ.

Trung tâm tài chính quốc tế - động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Dịch vụ sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính, tỷ trọng dịch vụ trong GRDP của TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh, chuyển dịch lao động, giá trị gia tăng từ công nghiệp sang dịch vụ chất lượng cao. Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tại TP. Hồ Chí Minh mới sẽ đóng vai trò then chốt nâng tầm quy mô kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp. IFC là nơi hội tụ các dòng vốn trong nước, quốc tế, cung cấp dịch vụ huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán, phát hành sản phẩm tài chính, giúp doanh nghiệp, dự án lớn tiếp cận nguồn lực tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng.

Sự hiện diện của IFC và các chính sách ưu đãi đặc thù sẽ tăng sức hút FDI, đặc biệt vào công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, logistics, sản xuất quy mô lớn. IFC sẽ tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, bán dẫn, năng lượng mới tiếp cận vốn, dịch vụ tài chính hiện đại, thúc đẩy các dịch vụ tài chính số, fintech, ngân hàng số, tài chính xanh, sàn giao dịch hàng hóa, tín chỉ carbon, hiện đại hóa cấu trúc kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Cơ hội trở thành số 1 khu vực ASEAN và điều kiện cần thiết

TP. Hồ Chí Minh mới với GRDP khoảng 121 tỷ USD đã vượt các thành phố Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), tiệm cận Bangkok (Thái Lan) và chỉ đứng sau Singapore về tổng sản phẩm GRDP vùng đô thị. Thành phố có dân số 14 triệu người, lớn hơn nhiều quốc gia ASEAN tạo lợi thế về thị trường, lao động, thu hút đầu tư. Có thể nói TP. Hồ Chí Minh mới đã hội tụ đủ yếu tố siêu đô thị đa trung tâm, hệ sinh thái tài chính, công nghiệp, logistics, công nghệ cao, du lịch biển, cảng biển quốc tế, cạnh tranh mạnh với các thành phố lớn khu vực.

TP. Hồ Chí Minh mới có cơ hội vươn lên vị trí số 1 khu vực ASEAN về quy mô, tầm ảnh hưởng kinh tế, nhưng cần thời gian và giải pháp đột phá. Trước mắt là mục tiêu đến 2030 trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ khu vực, GRDP bình quân đầu người đạt 14.500 USD, kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Đến năm 2045, với hạ tầng giao thông hiện đại gồm 7 tuyến metro dài 355km hoàn thành vào năm 2035 và hoàn thành toàn mạng lưới dài 510km vào năm 2045 mà TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt, sẽ sớm có các tuyến đường sắt nhẹ nối với các trung tâm đô thị Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tuyến vành đai mới, trục xuyên tâm, trục giao thông dọc sông rạch, cầu vượt sông…, có chất lượng cuộc sống cao, môi trường lành mạnh, thành phố sẽ đứng ngang tầm các đô thị lớn thế giới, thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Để đạt mục tiêu, TP. Hồ Chí Minh mới cần đột phá về thể chế, chính sách để thu hút đầu tư chiến lược, đổi mới sáng tạo, tài chính quốc tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, logistics, cảng biển, sân bay, đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh liên kết vùng, hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nếu tận dụng tốt các cơ hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá về thể chế, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế, TP. Hồ Chí Minh mới hoàn toàn có thể trở thành thành phố số 1 khu vực ASEAN vào giai đoạn 2035 - 2045, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế khu vực và toàn cầu. Bởi lẽ, xét cho cùng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là cạnh tranh giữa các đô thị lớn - những trung tâm sáng tạo, tài chính, công nghệ, thu hút nguồn lực, dẫn dắt tăng trưởng và lan tỏa ảnh hưởng toàn cầu.

Tin tưởng rằng, trong tương lai gần, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ không chỉ đại diện cho sức mạnh kinh tế mà còn là nơi định hình vị thế và thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

TS. Trần Văn - ĐBQH khóa XII, XIII

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-mo-rong-sieu-do-thi-da-trung-tam-va-khat-vong-so-1-khu-vuc-asean-10378898.html