Bị xét xử lại về tội hối lộ, 'thái tử' Samsung có thể lĩnh án tù

Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung kiêm Phó Chủ tịch hãng điện tử Samsung Lee Jae-yong, đang đối mặt với phiên tòa xét xử lại đối với ông về các tội danh hối lộ, một phần trong vụ bê bối gây rúng động Hàn Quốc năm 2016 khiến Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất và lĩnh án tù.

 Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, rời khỏi Trung tâm giam giữ Seoul hồi tháng 1-2018 sau khi được tòa tối cao Seoul giảm án và cho hưởng án treo. Ảnh: Yonhap

Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, rời khỏi Trung tâm giam giữ Seoul hồi tháng 1-2018 sau khi được tòa tối cao Seoul giảm án và cho hưởng án treo. Ảnh: Yonhap

Hôm 29-8, tòa tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu tòa tối cao Seoul xét xử vụ án hối lộ liên quan đến ông Lee Jae-yong, con trai của Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Byung-Chul vì cho rằng tổng giá trị đưa hối lộ của Lee cho cựu Tổng thống Park Geun-hye và Choi Soon-Sil người bạn thân lâu năm của bà Park bị xác định thấp hơn thực tế.

Phán quyết này có nghĩa là ông Lee Jae-yong có thể ngồi tù một lần nữa và vẫn chưa rõ điều này sẽ tác động ra sao đến Samsung, nhà sản xuất smartphone, chip máy tính và tivi lớn nhất thế giới.

Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Byung-Chul đã không xuất hiện trước công chúng trong bốn năm qua vì bệnh tật. Vì vậy, Lee Jae-yong, con trai cả của ông là người đang nắm quyền điều hành tập đoàn này trên thực tế.

Năm 2017, ông Lee Jae-yong, người được báo chí Hàn Quốc đặt biệt danh “thái tử Samsung” bị kết án 5 năm tù về tội đưa các khoản hối lộ trị 8,6 tỉ won (7 triệu đô la) cho bà Park và Choi Soon-sil, người bạn thân của bà Park lúc bà còn đương nhiệm tổng thống.

Tòa án cho rằng ông Lee đưa hối lộ để tìm sự ủng hộ của chính phủ đối với các kế hoạch của ông nhằm gia tăng quyền kiểm soát tập đoàn Samsung.

Tuy nhiên, hồi tháng 2-2018, Lee được trả tự do sau khi tòa tối cao Seoul giảm án tù của ông xuống còn 2,5 năm và ra lệnh đình chỉ án tù đối với ông. Tòa án này bác bỏ các nội dung kết án quan trọng của tòa cấp dưới và giảm số tiền đưa hối lộ của Lee về mức là 3,6 tỉ won (3 triệu đô la).

Khi quyết định gửi trả vụ án để tòa tối cao Seoul xét xử lại, tòa tối cao Hàn Quốc cho rằng các khoản đưa hối lộ của ông Lee đã bị định giá thấp hơn so với thực tế. Tòa tối cao Hàn Quốc cho rằng số tiền mà Samsung bỏ ra để mua 3 con ngựa đua tặng con gái của bà Choi Soon-sil và đóng góp cho một quỹ thể thao do cháu gái của bà Choi điều hành cũng nên xem là các khoản hối lộ.

Về giả thiết, phán quyết này có thể mở ra khả năng ông Lee bị kết án dựa trên giá trị đưa hối lộ cao hơn trước đây. Trước đây, các công tố viên, từng đề nghị bản án 12 năm tù dành cho ông Lee, cho biết ông Lee đã biển thủ số tiền đưa hối lộ từ các ngân quỹ doanh nghiệp của Samsung.

Theo các hướng dẫn kết án của tòa tối cao Hàn Quốc, các tòa án ở Hàn Quốc được yêu cầu ra các phán quyết án tù từ 4-7 năm đối với những người bị kết án biển thủ hơn 5 tỉ won (4 triệu đô la) từ các nguồn quỹ chính thức. Theo luật, một bản tù trên 3 năm không được phép cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nói rằng một bản án treo có thể được áp dụng cho ông Lee vì luật Hàn Quốc cho phép các tòa được quyền giảm án trong các bản án xử phạt hình sự.

Nhiều nhà tài phiệt kinh doanh Hàn Quốc khác từng bị kết án về tội tham nhũng, các sai phạm kinh doanh và các tội trạng khác nhưng họ thường nhận các bản án tương đối nhẹ vì các thẩm phấn thường viện dẫn các hệ lụy tiềm tảng đối đối nền kinh tế để giảm án cho họ.

Năm ngoái, tòa án tối cao Seoul tuyên bản tù 30 tháng nhưng cho hưởng án treo đối với Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin dù ông bị kết tội về tội đưa hối lộ 7 tỉ won (5,7 triệu đô la) cho bà Park để đổi lại các biệt đãi về kinh doanh.

Ảnh hưởng của tập đoàn Samsung đối với nền kinh tế Hàn Quốc là rất lớn. Hãng điện tử Samsung, thành viên của tập đoàn Samsung, đang chiếm đến 20% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc và đóng góp 25% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc mỗi năm. Hàng chục công ty liên kết của tập đoàn Samsung đang tham gia mọi lĩnh vực kinh doanh từ xây dựng, bảo hiểm, thẻ tín dụng, bệnh viện, công viên giải trị cho đến các câu lạc bộ bóng đá và bóng chày.

“Ai có thể chịu được hậu quả nếu Samsung lung lay?”, một bài xã luận đăng trên tờ nhật báo lớn nhất Hàn Quốc Chosun Ilbo hôm 30-8 đặt câu hỏi.

Một số chuyên gia lưu ý rằng phán quyết yêu cầu xét xử lại vụ án đưa hối lộ của Lee Jae-yong được đưa ra trong bối cảnh Samsung đang đối mặt hàng loạt thách thức từ bên ngoài từ nhu cầu tăng trưởng chậm, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc các hóa chất cần thiết để sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình, hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Samsung.

Tháng trước, hãng điện tử Samsung cho biết lợi nhuận hoạt động trong quí 2-2019 giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 6,6 nghìn tỉ won (5,5 tỉ đô la) do giá chip máy tính giảm và nhu cầu các thiết bị di động suy yếu.
“Samsung giờ đây đang đứng ở khúc ngoặt quan trọng khi hãng này phải tìm kiếm các mảng kinh doanh bảo đảm tăng trưởng trong tương lai và phải tạo ra sự đột phá...Xét về vị thế của Samsung trong nền kinh tế của chúng ta, tôi cho rằng sự vắng mặt của phó chủ tịch Lee Jae-yong sẽ tạo ra tác động không tốt đối với nền kinh tế Hàn Quốc cũng như Samsung”, nhà phân tích Lee Sang-ho ở Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, nói.

Song Giáo sư Park Sangin ở Đại học quốc gia Seoul không đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng cơ chế quản lý chuyên biệt của Samsung ở mỗi mảng kinh doanh sẽ vận hành suôn sẽ dù ông Lee vắng mặt. Ông cho rằng Samsung không có dấu hiệu bất ổn nào trong thời gian ông Lee ngồi tù 11 tháng cho đến khi được phóng thích hồi đầu năm ngoái. Trong thời gian đó đó, Samsung vẫn thực hiện vụ thâu tóm hãng sản xuất các thiết bị nghe nhìn danh tiếng Harman International (Mỹ) với giá 8 tỉ đô la.

Giáo sư Park Sangin cũng cho rằng các bản án tù chưa bao giờ cản trở các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc truyền các mệnh lệnh quản lý của họ từ sau song sắt xà lim.

Ông nói: “Lee Jae-yong đã làm được những gì để chứng tỏ năng lực xuất sắc của ông ấy với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp kể từ khi ông ấy tiếp quản quyền lực thay thế người cha ốm yếu cách đây vài năm. Ông ấy không giống như Steve Jobs”.

Park Sangin cho rằng hình phạt nghiêm khắc dành cho ông Lee sẽ là một bước dài trong nỗ lực kiểm soát sức mạnh quá lớn các các “chaebol”, một nhóm tập đoàn gia đình có nhiều đặc quyền như Samsung, vốn bị chỉ chi phối nền kinh tế Hàn Quốc quá mức và dính líu đến tham nhũng và các cơ chế quản lý không minh bạch.
“Điều này sẽ gửi thông điệp tích cực cho giới đầu tư nước ngoài”, ông Park nói.

Theo AP

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293498/bi-xet-xu-lai-ve-toi-hoi-lo-thai-tu-samsung-co-the-linh-an-tu.html