Bia đá 'kể chuyện' kinh sử xưa

Dù có nhiều giá trị lịch sử, mỹ thuật, 82 bia đá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại ít được du khách chú ý. Để đánh thức những bia đá, Trung tâm Hoạt động Văn hóa , khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu giá trị di sản này đến công chúng. Mới đây nhất là trưng bày 'Bia đá kể chuyện'.

Các đại biểu tham quan trưng bày "Bia đá kể chuyện".

Các đại biểu tham quan trưng bày "Bia đá kể chuyện".

Trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám có một di sản đặc biệt, đó là 82 tấm bia đá.

Những bia đá này được dựng từ năm 1484 đến 1780 đã ghi lại lịch sử các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Những tấm bia đều do các danh nho đương thời phụng mệnh hoàng đế viết.

Không chỉ là những tấm bia đề danh những người đỗ Đại khoa, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu còn có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Bia đá còn là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm.

Đặc biệt, những tấm bia còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.

Ngay ở tấm bia đầu tiên, danh nhân Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”.

Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý “nhân tài là nguyên khí quốc gia” và “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”.

Những bài ký trên bia Tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp; đồng thời, những đường nét trang trí khiến đây còn là những kho tư liệu về mỹ thuật.

Các em nhỏ khám phá bia đá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Các em nhỏ khám phá bia đá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Mặc dù vậy, bia đá cũng trải qua nhiều thăng trầm khác nhau, ngay trong thời kỳ đương đại. Những năm trước đây, mỗi khi lễ Tết, hay trước mùa thi, sĩ tử đua nhau đến… xoa đầu rùa cõng bia; thậm chí, nhiều bạn trẻ còn nghịch ngợm bia đá, trèo cả lên rùa.

Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa , khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám buộc phải dựng hàng rào bao quanh toàn bộ 82 tấm bia. Điều này lại gây ra bất cập khác là người dân khó tiếp cận. Mặt khác, việc tìm hiểu những tấm bia này gặp khó khăn.

Trợ lý giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu-Quốc Tử Giám Trương Quốc Toàn chia sẻ: “Mỗi khi đến Văn Miếu, tôi thường thấy khách du lịch chỉ nhìn thoáng qua. Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là những pho sử đá. Nhưng đấy là pho sử “đóng”. Do đó, bản thân tôi luôn mong muốn làm thế nào để những pho sử này “mở”, mọi người đều có thể tìm hiểu, tiếp cận mà vẫn bảo vệ được di sản”.

Từ thực tế này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa , khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã cải tạo lại không gian vườn bia, thay hệ thống rào chắn mới bằng gỗ, tạo không gian thân thiện với những trang trí cách điệu theo trang trí tại Khuê Văn Các. Hệ thống rào chắn mới tạo không gian đi lại giữa các hàng bia, giúp khách du lịch tiếp cận các bia đá dễ dàng hơn.

Đặc biệt, để khách du lịch có điều kiện tìm hiểu hệ thống bia đá, nhân dịp chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ, ngày 16/1, Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khai mạc trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện 2” ngay tại khu vực vườn bia.

Đây là lần thứ 2, Trung tâm tổ chức trưng bày theo chủ đề Bia đá kể chuyện. “Bia đá kể chuyện 1” tổ chức vào năm 2022.

Trưng bày lần này khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bộ 82 bia Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám theo 4 chủ đề. Trong đó, có nhiều thông tin thú vị.

Phần “Chiêu mộ hiền tài” giới thiệu một số nét chính về giáo dục khoa cử Nho học của nước ta. Phần trưng bày mang tên “Con đường khoa cử” giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt.

Nội dung thứ ba là “Gương sáng tiền nhân” giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác.

Điểm nhấn được nhiều người quan tâm trong trưng bày lần này là “Tài hoa nghệ thuật”. Từ góc độ mỹ thuật, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hình tượng rồng trên các tấm bia, những hoa văn ở diềm bia, hình tượng rùa đội bia.

Những tác phẩm này được tạo tác bởi những bàn tay tài hoa. Sự biến đổi của các hình tượng qua thời gian thể hiện những thay đổi trong dòng chảy mỹ thuật Việt.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: “Địa điểm thực hiện lần này chúng tôi lựa chọn không gian vườn bia Tiến sĩ, trưng bày được đặt gần những tấm bia sẽ tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý, làm cho công chúng được tiếp cận gần hơn với bia tiến sĩ, từ đó cảm nhận sâu hơn về những nội dung tư liệu hiện hữu cũng như khám phá điều ẩn chứa trong những tấm bia đá. Thông qua trưng bày này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho công chúng tham quan một góc nhìn mới, gần gũi và đầy tính khám phá về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước ta”.

Việc được tiếp cận gần gũi những tấm bia, tìm hiểu những điều thú vị về lịch sử, khoa cử, mỹ thuật… từ bia đá tạo sự hứng khởi trong công chúng.

Anh Nguyễn Mạnh Hưng, khách tham quan đến từ Ninh Bình chia sẻ: “Tôi vốn rất tò mò về nội dung của tấm bia đá nhưng không biết chữ Hán. Với trưng bày này, tôi có điều kiện tìm hiểu rất nhiều thông tin. Các di tích cổ Việt Nam đều có bia đá, câu đối dùng chữ Hán, tôi mong rằng các nhà quản lý có giải pháp để mọi người có thể hiểu rõ hơn những thông tin mà người xưa đã gửi gắm”.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bia-da-ke-chuyen-kinh-su-xua-post856297.html