Bia đá kể chuyện xưa

Bia Tiến sĩ Văn Miếu gồm 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Bia đá trường tồn tới thời điểm ngày nay để lại những câu chuyện về việc thi cử, đỗ đạt trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm qua.

:Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 bia Tiến sĩ qua các thời kì

Nằm trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), hình ảnh những hàng bia đá được dựng trên lưng rùa đã trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thầnhiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, thi cử của dân tộc Việt Nam. Bia đá trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là Bảo vật quốc gia, là Di sản tư liệu thế giới phản ánh phong phú lịch sử, văn hóa, giáo dục. 82 tấm bia Tiến sĩ còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, lưu giữ giá trị lịch sử trường tồn mãi với thời gian, cách tổ chức thi độc đáo, thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc từ xưa đến nay.

82 bia Tiến sĩ này được dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông với mục đích biểu dương những người đỗ đạt, đồng thời răn đe, khuyến học để những người được khắc lên bia Tiến sĩ rèn giũa về phẩm chất, đạo đức và tinh thần học. Ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442) đã chỉ rõ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đạo tạo sau mới có nhân tài”. Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bia các năm 1556; 1604; 1703; 1763; 1772 nhấn thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay đón tiếp nhiều đoàn học sinh từ các trường trên đất nước về dâng hương cầu may trong học tập và tham quan.

Từ những tấm bia Tiến sĩ, người đời sau lĩnh hội được nguồn tư liệu có giá trị lịch sử. Trong số 1304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, đã có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh (1368 – 1644), triều Thanh (1644 – 1911). Mặt khác, trong các nước có ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam thì chỉ có Việt Nam có bia Tiến sĩ mang nội dung phản ánh tư tưởng chính trị, triết học, giáo dục khoa cử của từng Triều đại, nhờ đó có thể nghiên cứu sự phát triển, thay đổi của Nho giáo trong việc quản lí đất nước của các triều đại ở khu vực thông qua bài văn khắc trên những bia đá.

Theo Bà Nguyễn Liên Hương – Trưởng Phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ rằng, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu chính là bia gốc, độc bản để lại những giá trị lịch sử đối với cả dân tộc. Giá trị và nét độc đáo của 82 bia Tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới nhiều nước dựng bia, nhưng chỉ duy nhất Bia Tiến sĩ Văn Miếu có bài kí ghi lịch sử các khoa thi và triết lí của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Những bài kí trên bia được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp. Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, tri thức của đất nước soạn góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam.

Mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết tinh trí tuệ, bàn tay của những nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân qua các thời kì và là loại hình văn bản đặc biệt. 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia dẹt, trán cong, hình vòm. Các tấm bia đều được đặt trên lưng rùa theo dáng to, chắc khỏe thể hiện sự danh giá, kì thi đỗ đạt. Không chỉ vậy bia đá qua từng thời kì cũng dần một cao hơn, thiết kế tỉ mỉ, công phu hơn, thời kì sau sẽ cao hơn thời kì trước. Trang trí trên bia đá cũng rất đa dạng, phản ánh sự phát triển của nghệ thuật qua thời gian, hiểu được lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam qua từng thời kì. Và đây được coi là bằng chứng sống động cho mỹ thuật và đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Việt.

Cho tới ngày nay, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn là những bản gốc duy nhất tồn tại và được lưu giữ tại chỗ kể từ khi chưa được dựng trên những hàng gạch và mái nhà che chắn, bảo tồn những bia đá. Phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, đọc được. Các bài văn bia cho thấy rõ người soạn văn bia, dựng bia và bài văn kí trên đó. Hoa văn của từng thời kì một khác, cách trang trí, thiết kế và hình thức trình bày thể hiện trình độ mỹ thuật theo từng thời kì, mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng. Bước chân vào Văn Miếu thấy rõ hai bên là những tấm bia được dựng theo thời kì khác nhau, chính giữa hai bên chính là tấm bia lâu đời nhất.

Bia Tiến sĩ là niềm khích lệ trong học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội, có tác động to lớn đối với người đương thời và hậu thế sau này. Bên cạnh đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã đón tiếp nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ khắp các trường đổ về để cầu may, đón nhận một năm học mới với kết quả cao, thành tích tốt, tu dưỡng đạo đức, cùng nhìn lại 82 bia Tiến sĩ với 1304 Tiến sĩ đỗ đạt để lấy đó làm tấm gương cố gắng cho bản thân. Đặc biệt, bia Tiến sĩ vẫn có sức hút mạnh mẽ không chỉ với người dân trong nước mà còn đối với bạn bè, du khách nước ngoài.

Hàng ngày có khá đông du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về chế độ tuyển chọn và thi cử, cách đào tạo nhân tài, sử dụng hiền tài, quan điểm về giáo dục của Việt Nam xưa. Bia đá vẫn đứng sừng sững đó theo năm tháng, ngày ngày cùng chứng kiến sự phát triển của con người trong học tập và tu dưỡng đạo đức. Đó không chỉ là những giá trị văn hóa to lớn để lại cho người dân đất Việt mà còn là giá trị lịch sử sống mãi với thời gian.

Kim Chi – Nguyễn Dung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bia-da-ke-chuyen-xua-a18394.html