Bia rượu cuối năm
Cuối năm là thời gian cao điểm của các hoạt động tổng kết, hội họp, liên hoan… kéo theo đó là việc sử dụng rượu bia tăng cao. Nhiều người tăng tần suất đi nhậu, cũng như nhà hàng quán xá tăng khách, tăng lượng tiêu thụ.
Nhà nhà tổng kết, người người liên hoan
Những ngày này, không khó để bắt gặp các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến phố của Hà Nội, kiểm tra cả đêm lẫn ngày. Các tổ công tác liên tục thực hiện nhiệm vụ để hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Xuất phát từ nguyên nhân cuối năm là dịp của những cuộc hội hè, liên hoan, tổng kết, tất niên….; Các nhà hàng kín bàn đặt, nườm nượp khách ra vào, lượng tiêu thụ rượu bia tăng vọt.
Chúc mừng một năm thành công, chia sẻ sau một năm vả, ngồi lại với nhau để hàn huyên sau một năm bận rộn xa cách… Có cả trăm lý do để những ngày cuối năm, các bữa tiệc, các buổi liên hoan thêm sôi động. Và trên bàn tiệc cũng không thể vắng mặt các loại rượu, bia, đồ uống có cồn.
Điển hình, có một số nhà hàng trung bình mỗi ngày đón tiếp khoảng hơn 100 khách. Dịp cuối tuần, lượng khách tìm tới đạt ngưỡng hơn 200 đến 300 người. Giai đoạn cuối năm, lượng khách bắt đầu gia tăng, kéo theo đó là lượng tiệu thu rượu tăng theo.
“Thông thường, cuối năm lượng khách hàng sẽ tăng cao hơn những tháng trong năm, vì các cơ quan, đơn vị, công ty có liên hoạn, tổng kết. So với cùng kì tháng trước, tháng này lượng khách của chúng tôi đã tăng tới 30-35%." - một chủ nhà hàng chia sẻ.
Rượu bia và những vụ tai nạn đáng tiếc
Cứ đến cuối năm, nhu cầu sử dụng, tiêu thụ bia rượu, đồ uống có cồn lại tăng đột biến. Những người tham gia giao thông trong trong tình trạng không tỉnh táo cũng tăng theo… Dù thực tế sử dụng rượu bia khi lái xe gần đây có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn đâu đó một số trường hợp chủ quan khi tham gia giao thông mà không hề lường trước những hậu quả nghiêm trọng mà rượu bia đem đến.
Những mối nguy đối với sức khỏe và tính mạng bản thân không hề làm cho người tham gia giao thông bớt chủ quan. Và chỉ đến khi tai nạn xảy ra mới khiến họ hối hận muộn màng.
"Uống rượu bia thì không lái xe" là khẩu hiệu khuyến cáo rất trực tiếp có ở nhiều tuyến đường. Những biển cảnh báo tai nạn cũng có khắp nơi. Nhưng vẫn không thiếu những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do tài xế sử dụng rượu bia quá độ dẫn đến không làm chủ được tay lái. Mỗi ngày cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Các dịp lễ Tết, con số này lại tăng đột biến. Đơn cử, chỉ riêng trong ngày 3/9 cả nước có tới gần 3000 trường hợp có nồng độ cồn trong người nhưng vẫn lái xe bị ghi nhận vi phạm.
"Luật phòng chống tác hại rượu bia nghiêm cấm điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn, hành vi lái xe sau khi uống rượu bia là vi phạm pháp luật, cần được kiểm tra xử lý nghiêm, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông." - ông Tạ Đức Giang, phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cho biết.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tình hình tai nạn giao thông xảy ra 222 vụ trật tự giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm cả về số vụ và số người thương vong. Một phần nhờ việc kiểm soát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát giao thông với các chốt kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo thống kê của các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức. Tỷ lệ thương tật của nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn cao hơn nhiều so với các tai nạn thông thường. Chỉ một giây lái xe bất cẩn, người cầm lái có thể cướp đi sức khỏe, thậm chí là mạng sống và hạnh phúc của nhiều người. Và sức khỏe cuộc sống của chính bản thân và gia đình người cầm lái cũng không ngoại lệ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Uống rượu kể cả nồng độ thấp cũng rất nguy hiểm, gây ra nhiều nguy hiễm với xã hội như phóng nhanh, vượt ẩu nếu điều khiển phương tiện giao thông".
Bi kịch từ rượu, bia luôn thường trực trong xã hội. Ở Việt Nam mỗi năm có hàng nghìn người chết hoặc phải nhập viện mà nguyên nhân chính là do bia, rượu. Nhất là các dịp Lễ Tết hay cuối năm, các cuộc liên hoan rầm rộ khắp nơi, cũng là lúc những nguy cơ về tai nạn giao thông lại rình rập mỗi gia đình.
Luật Giao thông đường bộ ở nhiều nước đã đưa ra các quy định chặt chẽ để phòng ngừa. Do đó, tại nhiều nơi, công dân có thói quen sử dụng dịch vụ công cộng, hoặc các hình thức khác để không vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Bởi khi vi phạm, các hình thức xử phạt rất nặng, thậm chí là tội hình sự hay bị ghi vào bằng lái, bằng chứng cho ý thức cộng đồng kém.
Còn tại Việt Nam, theo quy định, các lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe.
Đặc biệt thời gian gần đây, hoạt động của các chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đã góp phần tích cực kéo giảm số lượng người tham gia giao thông sau khi đã bia rượu cũng như kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân này.
Các chốt kiểm tra nồng độ cồn hoạt động hiệu quả
Trước đây, các chế tài không đủ mạnh, nên không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác xử lý các vi phạm về nồng độ cồn được lực lượng CSGT đặc biệt chú trọng và người vi phạm chịu chế tài khá nghiêm khắc. Tại Hà Nội, công tác này được triển khai rộng khắp các địa bàn với thời gian luân phiên cả ban ngày, cả ban đêm. Điều này đã mang lại nhiều kết quả tốt trông thấy, nhất là việc nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Với mức phạt lên đến hàng chục triệu đồng, giờ đây, hiếm ai dám tự lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Không chỉ có mức phạt cao, những biện pháp xử lý kèm theo như tước, tạm giữ GPLX, phương tiện… cũng khiến nhiều chủ phương tiện không dám lơ là các quy định về vi phạm nồng độ cồn.
Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, phát hiện người vi phạm nồng độ cồn, sử dụng rượu bia rất ít. Nhất là với ô tô, có những ca, kiểm tra 500-600 trường hộ không phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Những năm qua, Việt Nam kiểm soát nồng độ cồn đã tốt hơn trước, đặc biệt là sau khi áp dụng nghị định 100. "Sau một năm thực hiện chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp và lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc ra quân, tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn toàn quốc và đặc biệt là tuyến địa bàn đội 7 là cán bộ trực tiếp tuần tra kiểm soát tỷ lệ nồng độ cồn đã được kéo giảm so với trước đây", Thiếu tá Nguyễn Đức Sơn - Đội CSGT số 7 - Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội nói
Có thể thấy, "văn hóa ăn nhậu" và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nhiều người đã thay đổi theo hướng trách nhiệm hơn, tích cực hơn. Tính từ đầu năm đến nay, CSGT cả nước xử lý gần 700.000 trường hợp, số người vi phạm nồng độ cồn chiếm 23% trong tổng lỗi vi phạm. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, càng về những ngày cuối năm, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Nhiều App tiện ích giúp lái xe hộ khi uống rượu bia
Trước đây, sau những cuộc liên hoan, đã uống bia rượu, mọi người nếu không liều lĩnh lái xe thì lựa chọn phổ biến nhất là gọi taxi đi về sau khi tan tiệc. Nhưng gần đây, có thêm một lựa chọn khác đang được nhiều người lựa chọn. Đó chính là dịch vụ lái hộ/ lái thuê. Dịch vụ này đang rất được ưa chuộng vì sự tiện lợi và an toàn.
Thường xuyên phải tiếp khách, đặc biệt vào dịp cuối năm, thì những lần sử dụng bia rượu với Anh Kim Văn Hiền lại càng nhiều hơn. Kể từ khi biết đến các app ứng dụng thuê lái xe lái hộ về nhà, anh thấy rất yên tâm, có thể thoái mái vui cùng bạn bè đến tàn cuộc mà không lo đến chặng đường làm sao để về đến nhà.
"Với Nghị định 100, chúng tôi hoàn toàn tuân thủ quy định của luật, không lái xe khi sử dụng bia rượu. Do vậy với việc hiện nay có rất nhiều ứng dụng để chúng tôi tìm lái xe đưa tôi và xe của mình về nhà một cách an toàn là điều chúng tôi thấy rất hiệu quả. Hiện tại, tôi cũng vừa đặt được một tài xế trên app này." - anh Hiền nhấn mạnh.
Ngoài những điều kiện bắt buộc về đón trả khách, những người lái xe này cũng được yêu cầu chỉ lái xe tối đa 5 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho khách
Anh Trịnh Viết Tuyền – Công ty "Bạn uống, tôi lái" chia sẻ: "Em lái xe 5 tiếng là tối đa theo yêu cầu của công ty, với mức lương khoảng 15 triệu/tháng. Hiện công ty em có hơn 1000 lái xe ở cả hai miền Nam Bắc, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng".
Đây chỉ là một trong rất nhiều app có mô tuýp "Bạn uống tôi lái, Bạn say tôi lái" đang hoạt động hiệu quả, vừa giúp thực khách về nhà an toàn, vừa bảo đảm an ninh trật tự. Có cung sẽ có cầu. Đây cũng đang là loại hình dịch vụ vận chuyển mới tạo ra công việc ổn định cho hàng nghìn lái xe trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó thì các dịch vụ truyền thống, gọi xe taxi, xe đưa đón thực khách đã uống rượu bia, cũng đang hoạt động hết công suất trong những dịp cuối năm. Thậm chí, nhiều nhà hàng để có thể thu hút khách, cũng đã chủ động bố trí xe đưa đón thực khách
Có thể thấy, với việc nghiêm khắc và nghiêm túc xử lý hành vi uống rượu lái xe đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Và cũng nhờ đó, các loại hình dịch vụ thuê xe hoặc thuê lái xe ứng dụng công nghệ ngày càng đa dạng đã mở ra một thị trường lao động mới; đồng thời mang đến giải pháp tối ưu, để những cuộc vui thực sự trọn vẹn mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bia-ruou-cuoi-nam-209799.htm