BIDV: Bước đi chiến lược hướng tới Trung tâm tài chính

Ngày 5/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam.

Trên “sân chơi lớn” này, ngân hàng không chỉ đóng vai trò trung gian vốn thuần túy như mô hình truyền thống, mà phải chuyển mình thành tổ chức tài chính tích hợp; có khả năng tham gia tư vấn đầu tư, quản lý tài sản, phát hành chứng khoán quốc tế, tài chính xanh, tài sản số và kết nối hạ tầng thanh toán toàn cầu. Với vị thế là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang khẳng định mình hoàn toàn có thể chuẩn hóa, vươn ra thế giới, sẵn sàng hội nhập sâu vào thị trường vốn quốc tế và trở thành một nhân tố tích cực kiến tạo nên cấu trúc tài chính mới của Việt Nam.

Chuẩn hóa từng bước, chủ động hội nhập

Nhìn lại hành trình phát triển có thể thấy, từ nhiều năm trước, BIDV đã chủ động xây dựng nền tảng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế thông qua 3 trụ cột: chuẩn hóa quản trị, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ và mở rộng mạng lưới kết nối quốc tế.

Theo đó, năm 2019, BIDV đã hoàn thành việc áp dụng đầy đủ Basel II - bộ khung quy định quốc tế về an toàn vốn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược hội nhập của ngân hàng. Hiện nay, BIDV đã bước vào giai đoạn triển khai Basel III với lộ trình rõ ràng, tập trung vào các yêu cầu cao hơn về vốn, thanh khoản và khả năng chống chịu trước biến động thị trường. Tính đến cuối năm 2024, BIDV đã hoàn thành hơn 80% các tiêu chí nền tảng của Basel III, một tỷ lệ ấn tượng so với mặt bằng chung của các ngân hàng trong khu vực. BIDV cũng đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn IFRS 9 - chuẩn mực kế toán quốc tế về dự phòng rủi ro tín dụng, giúp tăng tính minh bạch và khả năng so sánh số liệu tài chính khi tham gia thị trường vốn toàn cầu.

Trong cấu trúc của một TTTC hiện đại, công nghệ số là hạ tầng cốt lõi. Nhận thức rõ điều này, BIDV đã sớm xác định chuyển đổi số không chỉ là chiến lược nội bộ, mà là bước chuẩn hóa bắt buộc, chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập vào môi trường tài chính quốc tế. Giai đoạn từ 2021-2024 đã ghi dấu sự bứt phá mạnh mẽ của BIDV trên hành trình số hóa toàn diện, đặc biệt là việc xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số. Đến cuối năm 2024, có 16 triệu người dùng SmartBanking, 92% giao dịch cá nhân thực hiện qua nền tảng số của BIDV. Đây cũng là ngân hàng tiên phong triển khai Open API kết nối với Fintech, góp phần hình thành hệ sinh thái ngân hàng mở – cấu phần quan trọng của TTTC quốc tế tương lai.

Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đại diện ngân hàng nhận giải thưởng tại “Lễ Công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024 - CSI 2024” (11/2024) tại Hà Nội

Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đại diện ngân hàng nhận giải thưởng tại “Lễ Công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024 - CSI 2024” (11/2024) tại Hà Nội

Định vị là ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính quốc tế

Đại diện BIDV cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, dòng vốn đầu tư xuyên quốc gia ngày càng đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Để có thể hấp thụ và vận hành trơn tru những dòng vốn này, Việt Nam không thể thiếu sự hiện diện của những tổ chức tài chính có năng lực, đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là những tổ chức có khả năng đóng vai trò trung gian, tư vấn, kết nối và lưu trữ dòng vốn toàn cầu. BIDV đã chủ động đẩy mạnh vai trò của một ngân hàng đầu tư nội địa quy mô lớn, từng bước xây dựng năng lực cốt lõi, sẵn sàng tham gia sâu vào quá trình vận hành TTTC trong tương lai. Đón đầu xu hướng này, BIDV đã xây dựng riêng mảng ngân hàng đầu tư, tư vấn thành công nhiều thương vụ M&A, IPO lớn trong nước và triển khai dịch vụ lưu ký chứng khoán cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, từng bước tiệm cận tiêu chuẩn vận hành của các TTTC thuộc nhóm G20.

BIDV cũng là một trong những ngân hàng tiên phong tại Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đây là một mảnh ghép quan trọng trong hạ tầng vận hành của TTTCQT, khi các nhà đầu tư toàn cầu cần một đối tác ngân hàng nội địa có uy tín và năng lực để quản lý tài sản, thanh toán, kiểm toán, định giá, bảo vệ quyền lợi cổ đông và giám sát dòng vốn.

Cùng với đó, BIDV cũng từng bước vững chắc vươn lên, trở thành ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất Việt Nam với năng lực tài chính và nền tảng công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện mô hình quản trị Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) hướng tới sự phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng... Tính đến 31/12/2024, BIDV có tổng tài sản đạt 2,7 triệu tỷ đồng; huy động vốn đạt 2,14 triệu tỷ đồng, chiếm 14,3% thị phần toàn ngành; dư nợ tín dụng đạt 2,02 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 13% thị phần toàn ngành. BIDV dẫn đầu thị trường về nền khách hàng với 22 triệu khách hàng cá nhân, gần 500.000 khách hàng doanh nghiệp và hơn 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu... Thông qua mạng lưới này, BIDV có thể linh hoạt triển khai các dịch vụ từ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, đến đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các dòng vốn ngoại đổ về Việt Nam một cách bài bản, an toàn, hiệu quả.

Một điểm nhấn nữa trong hành trình chuẩn bị gia nhập TTTC của BIDV là đón đầu xu thế tài chính xanh - yếu tố ngày càng quan trọng trong định vị một TTTC toàn cầu. Trong Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, BIDV đã xác định mục tiêu “Hướng tới sự phát triển bền vững” xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, với thông điệp “Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền”. BIDV theo đuổi chiến lược định vị thương hiệu Ngân hàng Xanh; trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG và tài chính bền vững; dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh và thực hiện lộ trình chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero Bank) vào năm 2045. BIDV đã thành lập Ban Chỉ đạo ESG, Ban Quản lý dự án xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG.

Đây là bước tiến quan trọng, định hình một mô hình triển khai ESG toàn diện, hướng tới mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. BIDV tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp lý theo định hướng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước; sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong kiến tạo nền kinh tế xanh. Việc ban hành Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu xanh, Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tài trợ thương mại (Khung ESMS), đánh dấu bước đi tiên phong trong việc đồng hành với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đẩy mạnh giao thương toàn cầu, tăng cường các chuỗi giá trị và tăng trưởng bền vững...

BIDV được đánh giá là ngân hàng thương mại dẫn đầu tại thị trường Việt Nam trong việc huy động nguồn vốn xanh và cho vay các dự án xanh, cũng là ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh dẫn đầu thị trường. BIDV là đối tác chiến lược của nhiều tổ chức tài chính quốc tế và là ngân hàng đứng đầu trong hoạt động nguồn vốn ủy thác nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, BIDV đang quản lý hơn 250 nguồn vốn ủy thác nước ngoài từ Chính phủ các nước Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, AFD, ADB, KFW, NIB, EIB, JICA, EDCF, WHO, UNICEF… với tổng giá trị cam kết 19,7 tỷ USD (tương đương 500.000 tỷ đồng). Năm 2023 - 2024, với 2 đợt phát hành thành công, BIDV đã huy động được 5.500 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) nguồn vốn trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững, tiếp tục duy trì vị thế là tổ chức tín dụng phát hành Trái phiếu ESG dẫn đầu thị trường trong nước.

Định hướng trở thành nhân tố kiến tạo TTTC Việt Nam, BIDV chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế thông qua nhiều chuyến khảo sát mô hình TTTCQT thành công như London, Luxembourg, Singapore, và gần đây nhất là GIFT City của Ấn Độ - Trung tâm tài chính quốc tế non trẻ nhưng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng hàng đầu châu Á.

Quá trình xây dựng TTTC Việt Nam còn nhiều thử thách, nhưng những bước đi chủ động, chắc chắn, bài bản mà BIDV đã và đang thực hiện là minh chứng rõ ràng nhất cho bản lĩnh của một tổ chức tài chính, sẵn sàng “hội nhập ngay trên sân nhà” khi cánh cửa TTTC chính thức mở ra.

Tuấn Hưng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bidv-buoc-di-chien-luoc-huong-toi-trung-tam-tai-chinh-162784.html