Biến chứng 'hơn cả cơn khó thở' của bệnh COPD

COPD là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có thể gây biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tim phải, xẹp phổi nếu không điều trị kịp thời.

 COPD là bệnh mạn tính, có thể gây ho đờm kéo dài, khó thở, khò khè ở phổi. Ảnh: Mymed.

COPD là bệnh mạn tính, có thể gây ho đờm kéo dài, khó thở, khò khè ở phổi. Ảnh: Mymed.

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh mạn tính của phổi gây viêm đường hô hấp trong phổi. Căn bệnh này dẫn đến giảm lưu lượng không khí vào - ra khỏi phổi và việc loại bỏ carbon dioxide khỏi cơ thể trở nên khó khăn.

Những người mắc COPD bị viêm và sẹo đường hô hấp, tổn thương các túi khí trong phổi hoặc cả hai. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh khí phế thũng hoặc viêm phế quản mạn tính, bạn đã bị COPD.

Phổi thay đổi thế nào khi mắc COPD?

Theo Cleveland Clinic, những thay đổi ở phổi và đường thở khi mắc COPD bao gồm:

Mất tính đàn hồi ở đường thở và túi khí trong phổi (phế nang)
Viêm, sẹo (xơ hóa) và hẹp đường thở
Chất nhầy đặc trong đường thở
Phá hủy các bức tường giữa các phế nang. Điều này làm chúng giãn ra và giữ không khí lại

Những người mắc COPD thường bị đợt cấp hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, như khó thở nghiêm trọng, đờm đặc hơn, thở khò khè và ho. COPD ngày càng tệ hơn theo thời gian. Các đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn.

Các loại bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

COPD bao gồm cả khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Những người mắc COPD thường có các đặc điểm của cả hai.

- Bệnh khí phế thũng là khi phế nang bị tổn thương và mở rộng. Triệu chứng phổ biến nhất là khó thở.

- Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm ở đường thở lớn. Tình trạng này làm hẹp đường thở và tạo ra nhiều chất nhầy. Ho là triệu chứng phổ biến nhất.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh COPD bao gồm:

Ho có đờm kéo dài trong thời gian dài (3 tháng hoặc lâu hơn trong ít nhất 2 năm)
Khó thở sâu
Khó thở, đặc biệt là khi thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc gắng sức nhẹ
Khò khè hoặc các âm thanh khác ở phổi
Ngực hình thùng
Da xanh xao (tím tái).

Các yếu tố rủi ro

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bất kỳ ai hút thuốc hoặc từng hút thuốc lá đều có nguy cơ mắc COPD cao hơn. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

Khói thuốc lá
Tiếp xúc với các mối nguy hiểm về hô hấp từ môi trường hoặc nơi làm việc
Tiền sử gia đình mắc bệnh COPD
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí
Bệnh hen suyễn
Bị mắc nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khi còn nhỏ.

Biến chứng khi mắc COPD

COPD có thể giữ vi khuẩn trong phổi, dẫn đến nhiễm trùng, đồng thời ngăn oxy đi vào cơ thể và carbon dioxide thoát ra. Điều này dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

Viêm phổi
Nồng độ carbon dioxide trong máu cao (tăng CO2 máu)
Nồng độ oxy trong máu thấp (thiếu oxy máu)
Suy hô hấp
Tăng huyết áp động mạch phổi
Suy tim phải
Xẹp phổi (tràn khí màng phổi)
Bệnh đa hồng cầu (sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu).

Tổn thương phổi do COPD là vĩnh viễn và không thể cải thiện. Nhưng có những cách để kiểm soát các triệu chứng trong thời gian dài và đôi khi thậm chí cải thiện chúng. Thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ và chương trình phục hồi chức năng phổi có thể giúp cải thiện các triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng và chất lượng cuộc sống.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bien-chung-hon-ca-con-kho-tho-cua-benh-copd-post1539549.html