Biến chứng khó lường của bệnh sỏi niệu quản
Theo TS Hoàng Minh Đức – Khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sỏi niệu quản để lâu ngày không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây các biến chứng nguy hiểm, nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Sỏi niệu quản là một bệnh lý sỏi của đường tiết niệu, từ vị trí khúc nối đài bể thận tới thành bàng quang. Nguyên nhân sỏi niệu quản tới 80% do rơi từ thận xuống.
Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do dị dạng niệu quản như niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… Đó là các yếu tố dễ làm cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi.
TS Hoàng Minh Đức – Khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sỏi thường có hình bầu dục hoặc hình trụ, bờ nhẵn hay xù xì như quả dâu, đường kính thay đổi từ vài mm đến trên 1cm.
70-75% trường hợp sỏi niệu quản nằm ở 1/3 dưới, 25-30% gặp ở 1/3 trên và 1/3 giữa niệu quản. Số lượng thường là 1 viên, có khi 2 viên. Nếu nhiều viên xếp kế tiếp nhau thì tạo thành “chuỗi sỏi niệu quản”. Sỏi niệu quản 2 hai bên rất nguy hiểm, dễ dàng dẫn tới vô niệu (anurie).
Biểu hiện bệnh là đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn vùng hông lưng, đau đột ngột sau một động tác cố gắng hoặc lao động nặng (gánh vác, chạy nhảy…). Đau vùng hông lưng dữ dội, lan xuống hoặc không lan xuống mặt trong đùi hoặc bộ phận sinh dục.
Nếu sỏi gây nhiễm trùng có thể tiểu buốt, rắt, đái máu, đái đục. Toàn thân có thể mệt mỏi, sốt rét run do nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Theo TS Hoàng Minh Đức, sỏi niệu quản để lâu ngày không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây các biến chứng nguy hiểm, nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng: Nhiễm khuẩn tiết niệu; thận ứ nước, ứ mủ; suy thận cấp, suy thận mạn; vô niệu; thận xơ hóa, teo lại do nhiễm khuẩn.
Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán: Chụp hệ tiết niệu, chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV: Urography Intravenous), chụp niệu quản – bể thận ngược dòng (UPR: Uretero-pyelography retrograde), chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
Các phương pháp điều trị
Điều trị nội khoa: Sỏi niệu quản nhỏ (<1 cm) có đến 90% sỏi được tống ra ngoài theo đường tự nhiên, do vậy điều trị nội chủ yếu điều trị cơn đau quặn thận (giảm đau, co thắt), kháng sinh (sỏi nhiễm trùng), uống nhiều nước (2 – 3 lít/ngày), thuốc tan sỏi.
Tuy nhiên, việc điều trị nội khoa hay ngoại khoa còn phụ thuộc vào hình dáng sỏi (sỏi sắc cạnh, thành phần hóa học sỏi rắn thì điều trị nội khó có kết quả), với những trường hợp điều trị nội khoa 2 tuần không đỡ nên chuyển sang phương pháp phẫu thuật.
Điều trị ngoại khoa: Can thiệp qua niệu đạo: Tán sỏi tại chỗ bằng sóng hoặc móc kéo sỏi ra ngoài bằng ống thông móc (Ellik, Davis), ống thông giỏ (Johnson, Dormia).
Phẫu thuật nội soi: Lấy sỏi niệu quản chỉ định tốt trong sỏi 1/3 trên và 1/3 giữa niệu quản; Lấy sỏi niệu quản và tạo hình niệu quản; Cắt bỏ thận và niệu quản khi thận đã mất chức năng không hồi phục.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-chung-kho-luong-cua-benh-soi-nieu-quan.html