Biến chủng lai giữa Omicron và Delta có đáng lo ngại?
Giới chức y tế Anh cho biết họ đang theo dõi sát một ca nhiễm biến chủng lai giữa Omicron và Delta. Các chuyên gia vẫn chưa xếp nó vào nhóm đáng quan ngại.
Trong bản cập nhật mới nhất của Cơ quan An ninh Y tế Anh, biến chủng lai giữa Delta và Omicron đang được quốc gia này theo dõi, điều tra sát sao. Anh là đất nước mới nhất phát hiện ca nhiễm biến chủng này, sau hơn một tháng kể từ khi cảnh báo về nó lần đầu tiên được đưa ra.
Chưa có nhiều ca nhiễm
Theo Fox News, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết giới chức nước này đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron. Nó còn được gọi với cái tên Deltacron.
Biến chủng mới xuất hiện trên bệnh nhân nhiễm cả hai chủng Omicron và Delta cùng lúc. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa rõ việc xuất hiện biến chủng mới xảy ra đầu tiên tại Anh hay quốc gia nào khác trước đó rồi lan tới nước này.
Bên cạnh thông báo chính thức giám sát Deltacron, Cơ quan An ninh Y tế Anh không đưa ra cảnh báo nào khác. Nhìn chung, giới chức y tế nước này không đặc biệt quan ngại về biến chủng lai vì số ca nhiễm chưa nhiều.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter, Đại học East Anglia, nhận định Deltacron không gây ra quá nhiều nguy cơ. Bởi đa số người dân đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm nCoV.
Biến chủng mới hay lỗi phòng thí nghiệm?
Thế giới lần đầu tiên được cảnh báo về Deltacron vào đầu tháng 1. Theo Bloomberg, người phát hiện ra biến chủng này là Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis, Đại học Cyprus, Cộng hòa Cyprus.
Ngày 7/1, ông đăng tải 52 mẫu giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu GISAID - nơi các chuyên gia trên toàn cầu chia sẻ thông tin về những loại virus mới. Vị chuyên gia từ Cyprus gọi chúng là “Deltacron” vì những dấu hiệu di truyền giống Omicron của nó trong bộ gene Delta.
Theo nghiên cứu từ GS Kostrikis, họ đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus.
Vị chuyên gia cho biết tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, họ đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện. Họ cũng nhấn mạnh còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.
“Những ca mắc được phát hiện cho thấy một chủng gốc đã gặp áp lực tiến hóa để đạt được những đột biến này và đây không phải là kết quả của một sự kiện tái tổ hợp duy nhất”, GS Kostrikis khẳng định.
Trước thông tin này, giới khoa học thế giới vào cuộc và nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một số người tuyên bố 52 mẫu giải trình tự gene của nhóm chuyên gia tại Cyprus không phải biến chủng mới cũng như loại trừ khả năng đây là kết quả của quá trình tái tổ hợp giữa hai virus. Họ cho rằng hiện tượng này có thể do nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm.
Ngày 9/1, thành viên tổ kỹ thuật Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới, bà Krutika Kuppalli, chuyên gia tại Đại học Y Nam Carolina (Mỹ), đăng dòng tweet: “Không có cái gọi là Deltacron. Omicron và Delta không tạo ra siêu biến chủng mới”.
Cùng quan điểm, trả lời đài KHOU 11, TS Amesh Adalja, thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), khẳng định Deltacron là thông tin sai lệch. “Đây có vẻ là kết quả của việc nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm và không phải phiên bản lai từ virus”.
Vài giờ sau, đại diện nhóm tác giả từ Cyprus lên tiếng phản biện. Theo GS Kostrikis, số lượng ca nhiễm Deltacron ở bệnh nhân nhập viện cao hơn so với nhóm không nhập viện. Vì thế, điều này loại trừ giả thuyết phòng thí nghiệm nhiễm bẩn.
Điểm không thể bỏ qua đó là các mẫu bệnh phẩm đã được giải trình tự gene nhiều lần tại hơn một quốc gia. Ít nhất một trình tự từ Israel được đăng tải lên cơ sở dữ liệu toàn cầu cho thấy các đặc tính di truyền của Deltacron.
“Những phát hiện này đã bác bỏ các tuyên bố vô căn cứ cho rằng Deltacron là kết quả của lỗi kỹ thuật”, ông Kostrikis nói trong email gửi tới Bloomberg.
Đến nay, cuộc tranh luận về việc có hay không một biến chủng lai giữa Delta và Omicron vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, sự xuất hiện ca bệnh mới từ Anh có vẻ như đang dần chứng minh giả thuyết của GS Kostrikis và cộng sự là đúng.
Với những thông tin ít ỏi hiện có, đây vẫn chưa phải là biến chủng đáng lo ngại. Các chuyên gia vẫn khá thận trọng để đưa thêm bất kỳ cảnh báo nào về biến chủng đặc biệt này.
Trước đó, Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2021 và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, thay thế Delta chỉ trong vài tuần ở hầu hết quốc gia. Nhiều nghiên cứu cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn.