Biến chứng tăng nặng của bệnh nhân thủy đậu có bệnh nền
Trong thời gian gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận rải rác các ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…
Tăng nặng ở người có bệnh nền
Người bệnh V.T.O, giới tính nữ, 64 tuổi, có địa chỉ tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nhập viện với chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu.
Theo khai thác từ người bệnh được biết bà bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp đã 7 năm. Khám và điều trị thường xuyên theo đơn của Bệnh viện Nội Tiết Trung ương và luôn giữ mức đường máu được kiểm soát tốt.
Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân là giáo viên có tiếp xúc với hai học sinh mắc bệnh thủy đậu. Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 38- 39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước, không ngứa, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ.
Bệnh nhân đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo bệnh nhân tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt.
Tình trạng bệnh tiến triển tăng dần khiến bệnh nhân mệt nhiều, do vậy bệnh nhân đã được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và được nhập viện vào khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Theo ThS.Phạm Hồng Quảng, Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, háo khát, mất nước, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc.
Bệnh nhân sốt cao 38,8o C, mạch 115 chu kỳ/phút, huyết áp 110/60 mmHg, nhịp thở 24 lần/ phút. Xét nghiệm đường máu cao giao động 17 – 20 mmol/L, HbA1c: 7,8 %, bạch cầu tăng cao 13,2 G/L, CRP 84.6 mg/L. Tổng phân tích nước tiểu: bạch cầu 125, Nitrit (+), Glucose niệu (+).
Người bệnh đã được xử trí tích cực ngay lúc nhập viện bằng việc bù nước điện giải bằng đường truyền và uống, hạ sốt, kháng sinh tiêm truyền đặc hiệu chống bội nhiễm, thuốc ức chế virus Acyclovir đồng thời được tích cực kiểm soát đường huyết, huyết áp và các triệu chứng đi kèm …
Cũng theo bác sĩ Phạm Hồng Quảng, thời gian gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương đã tiếp nhận khá thường xuyên các ca mắc bệnh thủy đậu trên nền bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…
Hầu hết các ca bệnh này đều vào viện trong tình trạng đường máu rất cao, rối loạn nước điện giải cần bù nước điện giải tích cực, kiểm soát đường máu bằng thuốc tiêm mặc dù trước đó người bệnh chỉ cần uống thuốc viên đường máu đã có thể kiểm soát tốt.
Bác sĩ Quảng cho biết bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, thường gây các chùm ca bệnh, các ổ dịch nhỏ rải rác và đa phần là lành tính.
Tuy nhiên trên những người bệnh có bệnh lý mạn tính, sức đề kháng kém như đái tháo đường, suy thận, suy thượng thận… bệnh dễ gặp các biến chứng như bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… làm bệnh tiến triển nặng.
Bác sĩ Phạm Hồng Quảng còn cho biết thêm, ngoài bệnh nhân mắc thủy đậu, khoa Bệnh nhiệt đới đã, đang điều trị nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền nội tiết mắc các bệnh truyền nhiễm khác như cúm A, covid-19, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt do nhiễm rickettsia… một số bệnh nhân nặng, nguy cơ trở nặng.
Do các bệnh nhân này có nhiều bệnh nền phức tạp nên quá trình điều trị cho người bệnh gặp không ít khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải điều trị tích cực, toàn diện mới giúp người bệnh phục hồi để có kết quả điều trị tốt.
Hiện tại, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân V.T.O mắc thủy đậu/ đái tháo đường/ tăng huyết áp đã tỉnh táo, đỡ mệt, hết sốt, hết tình trạng khát nước tiểu nhiều, tiểu hết đau buốt; đường máu kiểm soát tốt, các nốt phỏng nước thưa dần và nhiều nốt cũ đang thoái triển dần.
Với những ca bệnh điểnh hình như trên, bác sĩ Quảng khuyến cáo, bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm cần cách ly tránh các nơi đông người như trường học, trụ sở làm việc… để hạn chế lây truyền cho cộng đồng.
Ở những đối tượng đặc biệt là những bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… không nên chủ quan khi bị mắc các bệnh cấp tính như cúm A, B, covid-19, sốt xuất huyết, thủy đậu… Vì việc điều trị các bệnh lý nền lúc này cần có sự điều chỉnh nhất định và điều trị tích cực hơn nếu không có thể sẽ gây ra những biến chứng cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Do đó cần thiết phải đưa người bệnh đi khám tại các cơ sở y tế ngay khi mắc các bệnh lý cấp tính mà tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, lúc vào viện sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị.
Cần thiết tiêm vắc-xin thủy đậu
Các chuyên gia lý giải, thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng.
Bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Do đó, thủy đậu được xem là một trong những bệnh dễ lây lan nhất.
Bệnh có tính chất lành tính, bệnh nhân thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp thủy đậu ở trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi hoặc để lại các di chứng sau này, thậm chí có thể mất mạng.
Tùy vào mức độ mắc bệnh, đã được tiêm phòng hay chưa và sức đề kháng của trẻ, các biến chứng có thể xảy ra nhiều hay ít. Nếu phát hiện trẻ phơi nhiễm với bệnh thủy đậu, trường hợp đã mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc đã tiêm phòng, người dân không cần phải lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, người nhạy cảm (chưa từng mắc thủy đậu) được khuyến cáo nên chủng ngừa thủy đậu càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với virus.
Có bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vắc-xin có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Khi mắc bệnh thủy đậu, cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ, chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng. Nếu tổn thương da không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không hạn chế tắm rửa, ngược lại, càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.
Về dinh dưỡng, người bị thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước.
Trong quá trình chăm sóc, nếu có sốt cao liên tục không hạ được kèm theo các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh thủy đậu, hạn chế các biến chứng nặng của bệnh. Vắc-xin bệnh thủy đậu được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.