Biên cương thắm tình hữu nghị

Quảng Trị có đường biên giới đất liền dài trên 187km, đi qua 17 xã, thị trấn (với 114 thôn, bản, khu phố) của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều.

Thành viên Ban cán sự của các cặp bản kết nghĩa thường xuyên trao đổi với cán bộ biên phòng để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Thành viên Ban cán sự của các cặp bản kết nghĩa thường xuyên trao đổi với cán bộ biên phòng để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Thực hiện chủ trương chung giữa Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, những năm qua, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Lào (kết nghĩa bản - bản) đã góp phần quan trọng trong việc củng cố, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị gắn bó thân thiết giữa các địa phương.

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc

Được triển khai đầu tiên tại thị trấn Lao Bảo từ năm 2005, đến nay, trên địa bàn có 27 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan tham gia mô hình kết nghĩa.

Cấp chính quyền huyện, xã, thôn bản dọc biên giới và các đồn, trạm Biên phòng đã làm tốt công tác đối ngoại, giúp đỡ chính quyền, nhân dân hai bên biên giới phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát; kịp thời giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; cấp cứu, khám chữa bệnh, trao đổi học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng ở cơ sở.

Ông Trương Kim Tuyến (70 tuổi), Bí thư chi bộ, trưởng khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo cho biết, đã 12 năm từ ngày khóm kết nghĩa với bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, đến nay, tình cảm người dân hai bản ngày càng gắn bó thân thiết. Qua đó, góp phần xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, hợp tác. Đặc biệt, trong các ngày lễ như, Tết Nguyên đán, Tết năm mới của Lào, ngày Quốc khánh, ngày thành lập Quân đội nhân dân… những món quà thiết thực gồm con gà, con lợn, cây giống… có ý nghĩa lớn, động viên các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Vừa qua, khi thị trấn tổ chức phố đi bộ Nguyễn Huệ, người dân bản Đensavan huy động sức người, sức của cùng bà con tập luyện và tham gia chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực. Qua đó, thể hiện mối quan hệ hữu nghị và tình cảm gắn bó, keo sơn giữa anh em các bộ tộc Lào và Việt Nam.

Thông qua các quy chế ký kết, giao ước giữa hai bên, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như phát động phong trào quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới đã chuyển biến rõ rệt. Công tác quản lý, nắm tình hình trên từng địa bàn, đoạn biên giới đi qua các cặp bản đối diện được quan tâm hơn so với trước kia.

Ý thức trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, dấu hiệu vành đai khu vực biên giới, biển báo khu vực biên giới; bảo vệ tài nguyên, khoáng sản; chống xuất nhập cảnh, truyền đạo trái phép; buôn lậu, buôn bán hàng cấm qua biên giới; săn bắt thú rừng quý hiếm… của người dân được nâng cao rõ rệt.

Người dân hai bên biên giới tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới cũng như tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc hiệu quả hơn, góp phần xây dựng tình đoàn kết Việt Nam - Lào.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Thanh Lộc (64 tuổi), Phó Trưởng ban Công tác Mặt trận khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo cho hay, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã hỗ trợ, thay đổi cuộc sống người dân rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm. Trở thành thông lệ tốt đẹp, vào dịp lễ, Tết, người dân 2 địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc hai bên biên giới.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từng bước làm thay đổi nhận thức người dân hai bên biên giới tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới cũng như tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc hiệu quả hơn...

Nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình kết nghĩa

Việc tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan, vai trò tham mưu của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và lực lượng bảo vệ biên giới Lào, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ban cán sự của các cặp bản kết nghĩa duy trì tốt nền nếp giao ban, trao đổi tình hình, đôn đốc thực hiện nội dung đã ký kết.

Nhân dân luôn đoàn kết, thống nhất, tích cực trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân vững mạnh.

Hội nghị giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới của của khóm Duy Tân, Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào). Ảnh: TTXVN phát

Hội nghị giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới của của khóm Duy Tân, Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào). Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn và bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh lãnh thổ của mỗi nước, phát triển kinh tế, giao thương cũng như cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo.

Thời gian qua, thị trấn Lao Bảo tổ chức phố đi bộ, các bản kết nghĩa của Lào tích cực tham gia thông qua gian hàng ẩm thực, giao lưu văn hóa… qua đó góp phần thu hút du khách đến với địa bàn. Để mô hình triển khai hiệu quả hơn nữa, mong rằng lãnh đạo tỉnh, huyện Hướng Hóa và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế đặc thù cho người dân hai bên khu vực biên giới tiếp tục qua lại, trao đổi, giao lưu hàng hóa, buôn bán nông, lâm sản...

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, việc triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tổ chức gần 340 đợt với trên 4.200 lượt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc có sự tham gia của người dân, lực lượng chuyên trách mỗi bên; hỗ trợ các bản kết nghĩa nước bạn Lào 4 mô hình trồng cây cà phê, trên 41.000 gốc sắn, 770 kg hạt giống các loại, 26.100 cây keo lai, 525 cây ăn quả các loại… Đồng thời thực hiện 2 dự án xây dựng trường học cho huyện Mường Noòng, tỉnh Savanakhet và huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, một cơ sở khám chữa bệnh, 3 ngôi “nhà hữu nghị” cho nhân dân Lào; phối hợp Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức 3 lớp dạy tiếng Việt cho 76 học viên là phụ nữ Lào các bản giáp biên thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Thanh…

Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho hay, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới là chủ trương đúng đắn, hợp với tâm tư nguyện vọng và tình cảm của nhân dân biên giới. Thông qua hoạt động thắt chặt hơn tình đoàn kết, nghĩa tình của người dân hai bên biên giới, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con về quốc gia, quốc giới. Từ đó, cùng chung tay, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân hai bên biên giới.

Thời gian tới, đơn vị xác định tiếp tục tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương hai bên biên giới nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế kết nghĩa; nâng cao nhận thức người dân về biên giới, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia…

Thanh Thủy - Nguyên Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bien-cuong-tham-tinh-huu-nghi-20241220143721173.htm