Biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

'Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học là vô cùng quan trọng, vì thế cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước', đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng nói.

Ngày 4/11, thảo luận tại Quốc hội về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) đặt vấn đề: Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nền giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

“Thực tế cho thấy, tự chủ đại học là điểm đột phá, động lực cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và dần phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Dẫu vậy, đào tạo sau đại học cho khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nền tảng của công nghiệp tự cường kết hợp với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của hệ thống giáo dục đại học cần phải tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt”, đại biểu Vương Quốc Thắng nói.

 Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) phát biểu trước Quốc hội.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) phát biểu trước Quốc hội.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học năm học 2023-2024 của cả nước chỉ đạt 47,16% và xấp xỉ 57% so với chỉ tiêu được duyệt. Số liệu này cho thấy sự kém hấp dẫn của đào tạo sau đại học. Trên thế giới, ví dụ các đại học ở Trung Quốc đã có chuyển biến mạnh trong cơ cấu đào tạo, từ chỗ tỷ lệ đào tạo đại học chiếm đa số thì nay nhiều đại học được hỗ trợ từ Chương trình 985 của Chính phủ, như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Chiết Giang, Phúc Đán đào tạo sau đại học đã chiếm trên 50% tổng tuyển sinh hằng năm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên các ấn phẩm Scopus đến tháng 7/2024 chỉ với 67 cơ sở giáo dục đại học đã chiếm tới xấp xỉ 84,5% tổng số bài báo của cả nước. Khối giáo dục đại học chiếm khoảng 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian với 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ nhưng kinh phí nghiên cứu phát triển chi cho khối đại học chỉ chiếm 6,75% tổng kinh phí nghiên cứu phát triển quốc gia. Số liệu này cho thấy ngân sách nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối đại học là chưa tương xứng với quy mô, năng lực và tiềm năng của đội ngũ này.

 Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học là vô cùng quan trọng, vì thế cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi xin phép kiến nghị trước mắt cần tập trung vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, đầu tư cho khoa học, công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước cần ưu tiên tối đa cho khu vực tập trung đội ngũ cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian, nơi sản sinh ra đội ngũ tri thức và sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đất nước. Đầu tư này cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực sản phẩm sáng tạo. Nghiên cứu sinh tiến sĩ cần được coi là nguồn lực của sáng tạo, cần được phân luồng từ đào tạo bậc đại học và có cơ chế hỗ trợ, chăm sóc từ nguồn ngân sách nhằm thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa công nghệ thế giới và sáng tạo công nghệ phục vụ công nghiệp và đời sống.

Thứ hai, xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nguồn tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ tại các doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 95 ngày 17/10/2014 của Chính phủ là rất lớn nhưng cần sớm được tháo gỡ cơ chế giải ngân phục vụ cho phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp thông qua hợp tác trực tiếp với các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu.

 Các đại biểu tại phiên họp ngày 4/11.

Các đại biểu tại phiên họp ngày 4/11.

Thứ ba, Chính phủ cần sớm nghiên cứu cơ chế giao tài sản cho các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ theo mức 1 kèm theo các cơ chế giám sát chặt chẽ làm cơ sở cho việc hạch toán tài chính đầy đủ. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của tổ chức quản trị là Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học, tăng tính chủ động và bền vững về tài chính trong chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học.

Thứ tư, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí. Trong đó, cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, cơ chế hiến tặng, nhằm khơi thông nguồn lực trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo và phát triển đại học, cơ chế gây quỹ có đối ứng của Nhà nước hoặc nguồn tài chính hợp pháp của cơ sở giáo dục. đại học, thúc đẩy nhanh các cơ chế đặt hàng theo tiêu chí sản phẩm đầu ra.

Thứ năm, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài là các chiến sĩ và các nhà khoa học được đào tạo từ các đại học danh tiếng trên thế giới thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển tham gia giảng dạy và nghiên cứu sâu tại các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng cơ chế thúc đẩy thực chất hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học với các đại học hàng đầu khu vực và thế giới.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bien-dai-hoc-tro-thanh-tru-cot-trong-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-cua-dat-nuoc-post319899.html