Biên đạo múa trẻ phô diễn vẻ ngoài, thiếu đầu tư chiều sâu

Định kỳ 3 năm một lần, Cuộc thi tài năng múa toàn quốc trở thành sân chơi hấp dẫn, là nơi gặp gỡ, hun đúc niềm đam mê với nhiều thế hệ nghệ sĩ múa.

Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Yến với tiết mục 'Đào liễu', giải Nhất múa dân gian. Ảnh: Thanh Hoa.

Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Yến với tiết mục 'Đào liễu', giải Nhất múa dân gian. Ảnh: Thanh Hoa.

Định kỳ 3 năm một lần, Cuộc thi tài năng múa toàn quốc trở thành sân chơi hấp dẫn, là nơi gặp gỡ, hun đúc niềm đam mê đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ múa.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít muộn phiền, lo lắng về những biên đạo trẻ nặng phô diễn bề ngoài mà thiếu đầu tư chiều sâu!

Tài năng múa trẻ hội tụ

Tham gia Cuộc thi tài năng múa toàn quốc - 2023 có 58 thí sính đến từ 26 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Mỗi thí sinh đều mang đến cuộc thi những cảm xúc, trải nghiệm đáng nhớ.

Phạm Gia Minh - cựu học sinh Học viện Múa Việt Nam hiện là du học sinh tại Học viện Múa Bolshoi Matxcơva (Nga) - cho biết, về nước nghỉ Hè đúng dịp cuộc thi được tổ chức, dù chưa chuẩn bị gì nhưng Minh vẫn muốn thử sức cùng các bạn, anh chị diễn viên để có trải nghiệm và học hỏi kinh nghiệm.

“Tuy nhiên, trước khi bước vào cuộc thi, tôi khá run và áp lực vì thời gian chuẩn bị, tập luyện không nhiều. Mặc dù có điều kiện học tập ở nước ngoài nhưng tôi nghĩ môi trường của cuộc thi có những điều thú vị riêng”, Gia Minh chia sẻ.

Lò Hải Anh - thí sinh từng dự cuộc thi năm 2020, đang tham gia nghĩa vụ tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng - cũng bày tỏ: “Dù là lần thứ 2 tham dự mà tôi vẫn cảm giác như lần đầu, vẫn cháy hết mình với tác phẩm tâm huyết. Qua cuộc thi, tôi học tập được rất nhiều từ bạn bè, đồng nghiệp và rút ra những kinh nghiệm quý báu cho nghề. Là người lính nghĩa vụ của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, dù gặp sự cố bị chấn thương ở cổ trước khi thi 4 ngày, nhưng tôi cố gắng “chiến đấu” hết mình, sẽ cứ tiếp tục đam mê và yêu nghề múa này”.

Trên một trăm tiết mục, trích đoạn múa ở 3 bảng (ballet, đương đại, dân gian) tham gia dự thi đều được các thí sinh hăng say thể hiện. Múa ballet luôn được coi là một loại hình nghệ thuật hàn lâm, vì thế đây cũng là bảng thi có số lượng thí sinh dự thi ít nhất.

Tuy nhiên, các thí sinh đã cho khán giả và đồng nghiệp thấy được vẻ đẹp mê hoặc của loại hình này. Thí sinh Lê Tuấn Anh và Trần Bảo Ngọc khiến giả không khỏi trầm trồ trước những bước nhảy ăn ý, sắc nét trong trích đoạn “Pas D’Esclave”; Trần Gia Huy và Vũ Khánh Băng ngọt ngào, lãng mạn với trích đoạn “Tarantella”; La Mẫn Nhi với những tạo hình đẹp, mượt mà, bay bổng, đậm chất thơ trong trích đoạn Duo của vở “Caravaggio” và “Dying Swan”…

Thí sinh ở bảng múa đương đại - nơi quy tụ đông đảo thành viên hoạt động ở các công ty nghệ thuật ngoài công lập - chiếm số lượng đông nhất. Đây là bảng múa khiến hội đồng giám khảo “căng não” nhất trong việc chọn lựa bởi độ ngang sức, ngang tài của các thí sinh.

Và đây cũng là bảng múa xuất hiện nhiều thí sinh tự biên, tự diễn nhất như: Phạm Minh Tuấn với hai tác phẩm “Chạm”, “Đời gánh”; Quàng Văn Việt với “Về nhà”, “Dạ điểu”; Giáp Văn Nghĩa và Lê Gia Quang Huy với “Sit on that position”, “Can’t get out” và “Get over it”; Nguyễn Trần Phương với “Nguệch”; Bùi Thanh Ngân với “The jourrney”; Nguyễn Tố Linh với “Phòng trắng”.

Ông Bùi Ngọc Quân, Vũ đoàn Les Ballet C de la B, Vương quốc Bỉ - Ủy viên Hội đồng giám khảo Cuộc thi tài năng múa toàn quốc – 2023, đánh giá: “Nhìn chung, diễn viên trong cuộc thi tài năng lần này đều có kĩ năng biểu diễn và kỹ thuật múa đương đại rất tốt, một số tác phẩm chất lượng cao, có khả năng trình diễn ở các sàn diễn quốc tế”.

Đối với bảng múa dân gian, các thí sinh lựa chọn bài thi khá đa dạng về đề tài và thể loại, từ múa dân gian, dân tộc, dân gian – dân tộc đương đại đến múa truyền thống. Một số em không ngần ngại phô diễn tài nghệ ở nhóm tác phẩm kinh điển đã được khẳng định qua thời gian, như Nguyễn Trang Linh với “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” (Biên đạo: NSND Thái Ly); Dương Hà Anh với “Nguyệt cô hóa cáo” (Biên đạo: NSND Văn Quang), “Hóa vàng” (Biên đạo: NSƯT Trần Ly Ly); Vũ Thị Huệ với “Nữ tướng Đào Tam Xuân” (Biên đạo: Tuyết Minh)...

Thí sinh Vũ Thị Huệ với tác phẩm 'Chòng chành', giải Nhì múa dân gian. Ảnh: Thanh Hoa.

Thí sinh Vũ Thị Huệ với tác phẩm 'Chòng chành', giải Nhì múa dân gian. Ảnh: Thanh Hoa.

Bảng múa này cũng có khá nhiều thí sinh bộc lộ tốt kĩ năng biểu diễn ở nhóm tác phẩm mới được sáng tác như: Vũ Thị Huệ với “Chòng chành” (Biên đạo: NSƯT Trần Ly Ly); Lừ Văn Quang, Đặng Sinh Quân với “Nậu Surua” (Biên đạo: Hải Trường); Lương Thị Hà Nhi với “Bóng núi” (Biên đạo: Hải Trường – Thúy Hiền), “Chân hạc” (Biên đạo: Vũ Ngọc Khải);

Nguyễn Quang Bách, Lê Thủy Tiên dí dỏm, hồn nhiên, vui nhộn trong “Sân nhà cò” (Biên đạo: Hải Trường), “Tình đầu” (Biên đạo: Lê Trần Thảo Nhi); Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Hoàng Yến, Hoàng Thị Thúy Ngàn, Nguyễn Thị Thanh bộc lộ khá tốt nét uyển chuyển, mềm mại, nữ tính của người phụ nữ Việt qua các tác phẩm “Tìm” (Biên đạo: Lê Thị Thu Hoài), “Đào liễu” (Biên đạo: Nguyễn Ngọc Anh), “Trăng mơ” (Hải Trường), “Tiếng lòng” (Biên đạo: NSƯT Thanh Nam)…

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích – Trưởng khoa Diễn viên của Học viện Múa Việt Nam – đơn vị có nhiều thí sinh đạt giải cao của cuộc thi - chia sẻ: “Đây là niềm vui chung của Học viện Múa Việt Nam - nơi có các giáo viên luôn tâm huyết, chung tay để đào tạo nên những học sinh tài năng cho ngành múa.

Để có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Học viện Múa tới khoa chuyên môn. Ngay sau khi kết thúc học kỳ II năm học 2022 - 2023, chúng tôi đã tổ chức tuyển chọn qua 2 vòng để khách quan lựa chọn những học sinh tiêu biểu nhất dự thi ở 3 bảng A, B, C. Sau đó là khoảng thời gian các em được tập luyện với huấn luyện viên của mình.

Trong quá trình tập luyện cũng có những khó khăn khi các em vẫn còn phải dành thời gian tham gia vở ballet “Giselle” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nhưng cuối cùng vượt lên tất cả, bằng nỗ lực và sự đam mê, các em đã có thành công và đạt kết quả cao”.

Thí sinh Lò Hải Anh với tác phẩm 'We are more than we are', giải Nhì múa đương đại. Ảnh: Thanh Hoa.

Thí sinh Lò Hải Anh với tác phẩm 'We are more than we are', giải Nhì múa đương đại. Ảnh: Thanh Hoa.

Những muộn phiền, lo lắng

Tâm điểm của cuộc thi nhằm hướng tới tìm kiếm tài năng biểu diễn múa, nhưng theo dõi các tác phẩm được thí sinh lựa chọn để phô diễn tài năng cá nhân sẽ nhận ra cuộc thi dường như đã vượt qua ranh giới của mình. Bởi, giới nghệ sĩ múa và nhà tổ chức khá bất ngờ trước sự xuất hiện của một loạt tác phẩm diễn thi hầu hết là của các biên đạo trẻ.

Mối quan hệ giữa biên đạo và nghệ sĩ biểu diễn đóng vai trò quan trọng, tạo nên sự thành công và quyết định sức sống của tác phẩm trên sân khấu múa. Một mặt biên đạo phải tạo được “đất” cho diễn viên biểu đạt, phát huy ngôn ngữ múa; ngược lại diễn viên cũng phải đủ tiềm lực và tài năng truyền tải tinh thần, tư tưởng của tác phẩm… Và hơn thế, một tác phẩm múa khẳng định được sức sống lâu bền trên sân khấu dù là múa đương đại hay dân gian, dân tộc thì điều tiên quyết làm nên giá trị đó chính là tinh thần, phẩm chất dân tộc chứa đựng trong nó.

Có thể nói, nhìn vào danh sách tác phẩm do các thí sinh dự thi lựa chọn trong cuộc thi năm nay đều nhận thấy có một sự dịch chuyển và thay đổi rất nhiều về “gu” biểu diễn và sáng tạo so với các mùa thi trước đây. Đáng ghi nhận khi kỳ thi lần này có sự “ra quân” vô cùng sôi động của các biên đạo trẻ trong dòng tác phẩm múa đương đại.

Tuy nhiên, về ý tưởng, phương cách sáng tạo, dàn dựng tác phẩm đang vấp phải bệnh hình thức. Họ mải mê khai thác tính biểu diễn, phô diễn vẻ ngoài mà thiếu đầu tư chiều sâu về tư duy sáng tạo. Điều này lý giải vì sao hơn hai chục tác phẩm đương đại xuất hiện trong cuộc thi cứ na ná nhau, khiến người xem khó định hình nổi mình đã xem tác phẩm nào.

Thí sinh La Mẫn Nhi với tiết mục 'Dying Swan', giải Nhì múa ballet. Ảnh: Thanh Hoa.

Thí sinh La Mẫn Nhi với tiết mục 'Dying Swan', giải Nhì múa ballet. Ảnh: Thanh Hoa.

Thí sinh Lê Tuấn Anh, Trần Bảo Ngọc với tác phẩm 'Pas D’Esclave', giải Nhất và Nhì múa ballet. Ảnh: Thanh Hoa.

Thí sinh Lê Tuấn Anh, Trần Bảo Ngọc với tác phẩm 'Pas D’Esclave', giải Nhất và Nhì múa ballet. Ảnh: Thanh Hoa.

Ở bảng múa dân gian, dân tộc, thí sinh dự thi cũng có xu hướng ít chọn những tác phẩm kinh điển như: “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Nguyệt Cô hóa cáo”, “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ”, “Câu chuyện bên dòng sông”… mà chủ yếu là các tác phẩm mới sáng tác.

Song, ở bảng múa này cũng vấp phải “bệnh” hình thức trong khâu sáng tác, dàn dựng... Không ít tác phẩm của các biên đạo trẻ dường như mới chỉ biểu hiện được vỏ bọc, hình thức bên ngoài bằng những công cụ phụ trợ như đạo cụ, trang phục, kỹ xảo công nghệ mà thiếu tư duy chiều sâu về văn hóa dân tộc.

Cùng bày tỏ quan ngại, lo lắng về vấn đề dàn dựng, sáng tạo tác phẩm, NSND Hà Thế Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi - cho hay: “Sau cuộc thi nảy sinh khá nhiều bất cập, đặc biệt ở thể loại múa dân gian dân tộc và múa đương đại cần thiết phải có những định hướng cho chuẩn xác. Việc xác định tiêu chí đánh giá, thẩm định tác phẩm dân gian dân tộc và tác phẩm đương đại cũng rất cấp thiết”.

NGƯT Linh Tâm - Trưởng khoa Múa dân gian – dân tộc Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng giám khảo cuộc thi - bày tỏ: “Là một giảng viên múa dân tộc, theo tôi, các cơ sở đào tạo nghệ thuật cần lưu tâm một số vấn đề trong công tác huấn luyện học sinh, sinh viên múa dân tộc như: Chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên; ngoài việc nắm chắc được chất liệu từng dân tộc, giáo viên dạy múa dân gian - dân tộc cần phải nhận biết, am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, bản sắc của từng dân tộc để chuyển tải cho học sinh, sinh viên trong quá trình giảng dạy.

Trong chương trình đào tạo cũng cần bổ sung thêm hoạt động nghiên cứu, sưu tầm điệu múa các dân tộc để có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng tổ hợp, từng động tác múa, từ đó cảm thụ và trân trọng cũng như bảo tồn tính nguyên bản các điệu múa dân gian. Nhà trường cũng cần có kế hoạch bồi dưỡng tài năng học sinh, sinh viên biểu diễn múa dân gian dân tộc”.

“Cần phát triển thêm phần dàn dựng, ý tưởng nghệ thuật phải phong phú hơn vì tại cuộc thi có rất nhiều tác phẩm có cách dàn dựng và phong cách biểu diễn giống nhau, thiếu sự gợi mở, đa dạng về phần biểu cảm.

Tác phẩm phải giúp khán giả có thể cảm nhận xa hơn, sâu hơn chính ý đồ của biên đạo, như vậy họ mới có thêm không gian để tưởng tượng, liên tưởng với trải nghiệm cuộc sống cá nhân trong quá trình thưởng thức”- Ông Bùi Ngọc Quân, Vũ đoàn Les Ballet C de la B, Vương quốc Bỉ - Ủy viên Hội đồng giám khảo Cuộc thi tài năng múa toàn quốc - 2023

ThS Thanh Hoa (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bien-dao-mua-tre-pho-dien-ve-ngoai-thieu-dau-tu-chieu-sau-post653373.html