Biến đất cằn thành nơi thu 'vàng'

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, định hướng đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành, chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn tỉnh phát huy tính sáng tạo, chủ động, chăm chỉ trong lao động sản xuất, biến những vùng đất cằn cỗi thành nơi thu 'vàng'. Qua đó, góp phần giảm nghèo ở mảnh đất biên giới, xây dựng quê hương Lai Châu giàu đẹp.

Về các huyện: Than Uyên, Tân Uyên thời điểm này, thơm ngát hương chè. Thăm những đồi chè xanh bạt ngàn với búp tươi non mơn mởn, chúng tôi thấy được thành quả lao động của người dân sau bao năm vất vả trồng, chăm sóc và niềm vui của bà con khi thu hoạch chè, nhất là thời điểm này chè “được mùa, được giá”.
Ông Soi Văn Lốt ở bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) phấn khởi: Theo chủ trương của tỉnh, huyện, gia đình tôi chuyển đổi từ đất trồng ngô cằn cỗi 1 vụ sang trồng hơn 2ha chè, đến nay đã 7 năm. Chè phù hợp thổ nhưỡng và được chăm sóc nên tốt lắm. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu được 11 tấn chè, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Năm 2024, giá chè cao gần gấp rưỡi so với mọi năm nên thu nhập tăng, ai cũng mừng.
Còn nhớ năm 2017, về công tác tại huyện Than Uyên, đi từ các xã: Tà Hừa, Ta Gia về Khoen On rồi sang Tà Mung, xuôi xuống Mường Kim, chúng tôi thấy tiếc khi những sườn núi mọc đầy cỏ hoang. Hỏi người dân mới biết, do đất cằn cỗi, đầy sỏi đá nên bà con chỉ trồng ngô 1 vụ, nhưng năm được mùa, năm mất trắng. Thế rồi khi được cán bộ tuyên truyền, vận động, nhân dân tích cực khai hoang, trồng chè - loại cây trồng mới thích hợp với thổ nhưỡng trên vùng đất khó ấy. Để rồi hôm nay, những đồi trọc đã phủ kín một màu xanh tươi của cây chè; mỗi ngày bà con hối hả rủ nhau lên đồi thu hái chè.
Còn ở các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, hiện nay nhân dân vui mừng bởi mùa khoai sọ, dong riềng thắng lợi. Không chỉ năng suất cao, giá bán củ cho các thương lái cao từ 2.500-4.000 đồng/kg dong riềng; từ 18.000-30.000 đồng/kg khoai sọ. Dong riềng và khoai sọ thu đến đâu, các thương lái trong và ngoài tỉnh mua hết đến đó.
Chị Lù Thị Tươi ở bản Dền Thàng (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ) tươi cười cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 1ha dong riềng, 8 sào khoai sọ. Dong riềng thì đang thu hoạch, củ rất to. Thu đến đâu, gia đình tôi chở đến nhà trưởng bản bán. Ước tính vụ này gia đình thu được trên 60 tấn dong riềng. Sau khi thu xong dong riềng, gia đình tôi tiếp tục thu khoai sọ. Năm trước, gia đình tôi bán khoai sọ được 60 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống khá hơn rất nhiều.

Người dân ở bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) thu hái chè.

Người dân ở bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) thu hái chè.

Đối với các huyện như: Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ, cây quế, cây xoài, dứa, cao su hay dược liệu được bà con ví von như “vàng”. Bởi những loại cây trồng này đã và đang mang lại nguồn thu nhập lớn. Theo các hộ chia sẻ, để cây trồng sống, sinh trưởng, phát triển tốt ở những nơi đất khô cằn, sỏi đá, bà con đã không quản ngày đêm, nắng mưa lên đồi, nương phát cỏ, cuốc đất, đào hố trồng; tuân thủ các quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… và thu hoạch sao cho đạt năng suất cao.
Lai Châu là tỉnh nghèo phía Tây Bắc của Tổ quốc. Để đưa nhân dân thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tỉnh tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, giao thông; tổ chức rà soát, quy hoạch từng vùng kinh tế. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các huyện, thành phố lựa chọn các cây trồng có năng suất, giá trị cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đưa vào gieo trồng. Đặc biệt là khơi dậy tinh thần, ý chí tự lực vươn lên của nhân dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu biến những vùng đất cằn trở thành nơi thu “vàng”.
Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Xác định quế, sâm là những cây trồng chủ lực giúp bà con giảm nghèo, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ tham gia trồng; tận dụng các chính sách của Nhà nước, tỉnh hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân. Đồng hành cùng các hộ trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm… Đến nay, cây quế, cây sâm trên địa bàn bắt đầu cho thu hoạch, bà con bước đầu có nguồn thu, đảm bảo đời sống gia đình, từng bước thoát khỏi hộ nghèo.
Với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân, sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, các ngành, địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu lớn. Trên những quả đồi, nương khô cằn, cỏ hoang mọc um tùm ngày nào, giờ đây là những hàng chè xanh bát ngát; ruộng khoai, dong riềng đầy ắp củ; là vườn sâm tốt tươi, đồi dứa chín mọng, quế thơm lừng; đến cả những vườn cây ăn quả sai trĩu khi vào mùa… Bà con vẫn thường hay gọi chè là “vàng xanh”, cao su là “vàng trắng”, sâm là “ngọc quý”, quế là “vàng đỏ”, quả chín gọi chung là “vàng”.
Toàn tỉnh có tổng diện tích chè trên 10.500ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 55.000 tấn; 7.873ha cây ăn quả, gần 13.000ha cây cao su, hơn 11.300ha cây dược liệu các loại; 2.357ha dong riềng và khoai sọ; trên 12.000ha quế. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, nâng thu nhập của người dân đến thời điểm này lên trên 47,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 24%.
Thời gian tới, các cấp, ngành tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân để những vùng nguyên liệu “vàng” sinh sôi; tạo động lực cho vùng biên giới Lai Châu hiện thực hóa khát vọng “phát triển nhanh và bền vững”.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/bi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A5t-c%E1%BA%B1n-th%C3%A0nh-n%C6%A1i-thu-v%C3%A0ng