Biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính: Chưa phải là quá muộn

Biến đổi khí hậu xảy ra bởi phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng năng lượng và các quá trình công nghiệp. Tình trạng này đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây thiên tai, hạn hán và bão lũ nhiều hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Càng nhiều nước bốc hơi vào khí quyển, các cơn bão càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù những hiện tượng này được gọi là thảm họa thiên nhiên, nhưng thực tế, hành động của con người đã vô tình “góp phần” gây ra thiệt hại đó.

Các dấu hiệu cảnh báo về biến đổi khí hậu đã rõ ràng trong thập kỷ qua. Những thay đổi về tổng lượng nhiệt được lưu trữ trong các đại dương và khí quyển có thể gây ra những ảnh hưởng to lớn đến hành tinh, đặc biệt là trên các sông băng, và tảng băng.

Trong thập kỷ qua, biển băng ở Bắc Cực đạt diện tích nhỏ nhất chưa từng có. Các tảng băng ở Greenland và Nam Cực cũng đang mất dần khối lượng, với tốc độ tan tăng nhanh chỉ trong thập kỷ qua.

Băng tan kéo theo hệ lụy là nước biển dâng cao. Tốc độ mực nước biển dâng trên toàn cầu ngày càng nhanh. Từ năm 2010 - 2018, mực nước biển dâng đã tăng lên trên 4 mm mỗi năm, tương ứng với gần 5 cm trong thập kỷ qua.

Vào năm 2019, mực nước biển trung bình toàn cầu ở mức cao nhất trong kỷ lục. Tuy nhiên, đâu đó, con người vẫn không ngừng hy vọng có thể khiến tình hình tốt đẹp hơn. Bởi, chúng ta đang ngày càng hiểu rõ về nguyên nhân của biến đổi khí hậu và các giải pháp.

Thái độ trên toàn thế giới đối với biến đổi khí hậu cũng đã thay đổi trong thập kỷ qua. Những nơi từng có sự thiếu hiểu biết, lơ là và không tin tưởng vào các vấn đề môi trường, cũng đã trở thành khu vực có mối quan tâm lớn.

Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và hiện tại là Mỹ đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Những hành động bảo vệ môi trường gần đây của người dân thế giới cũng được coi là chưa từng xảy ra. Hàng triệu người trên trên khắp thế giới cùng xuống đường, tham gia hành động vì khí hậu và yêu cầu những người có thẩm quyền thực hiện nhiều hơn.

Những minh chứng này cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong hành động bảo vệ môi trường của con người suốt thập kỷ qua. Song, tình trạng biến đổi khí hậu ở hiện tại là một lời cảnh báo rằng, dù con người đang hành động, nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ. Chúng ta không thể ngăn chặn biến đổi khí hậu, bởi nó đã thực sự diễn ra. Tuy nhiên, có lẽ, chưa phải là quá muộn để đảo ngược những tác động thảm khốc mà biến đổi khí hậu gây ra.

Các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và công chúng giờ đây cần nhanh chóng tìm ra giải pháp - có thể là thông qua kỹ thuật, công nghệ tài chính hoặc thể chế, chính sách. Chỉ như vậy mới có thể bảo đảm một ngày nào đó, chúng ta không thức dậy và phát hiện rằng, đã quá muộn để cứu những gì mình yêu và trân trọng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bien-doi-khi-hau-boi-phat-thai-khi-nha-kinh-chua-phai-la-qua-muon-ZiuHfpaGg.html