Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực như thế nào đến thế giới?
Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang xảy ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, gây tác độngtiêu cực đến sự sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu làm tăng thiên tai, thảm họa, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần....
Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới cho rằng chúng ta không còn nhiều cơ hội để tránh được những hiểm họa nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là khi chúng ta đang thất bại trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn thảm họa toàn cầu.
Mặc dù đã liên tục tăng cường cảnh báo trong những năm gần đây, chính phủ các nước và doanh nghiệp vẫn chưa hành động đủ nhanh để giải quyết vấn đề, theo báo cáo mới được công bố của United in Science. Và hậu quả đã hiển hiện ngay trước mắt, khi số lượng những hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới liên tục tăng lên. Chúng ta cũng đang có nguy cơ kích hoạt các “điểm tới hạn” trong hệ thống khí hậu (đồng nghĩa với việc khí hậu sẽ biến đổi nhanh hơn, và trong một số trường hợp, sự biến đổi này không thể đảo ngược được nữa).
Biến đổi khí hậu làm tăng thiên tai, thảm họa, bão, lũ lụt...
Cụ thể như, trận lụt gần đây ở Pakistan – một sự kiện đã nhấn chìm một phần ba diện tích của quốc gia này trong nước – là một ví dụ mới nhất về những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy. Và không chỉ sự kiện này mà đợt nắng nóng trên khắp châu Âu vào mùa hè vừa qua, đợt hạn hán kéo dài ở Trung Quốc, đợt siêu hạn hán ở Mỹ và những nạn đói cận kề ở châu Phi cũng phản ánh sự gia tăng của những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
“Các thảm họa xảy ra với quy mô lớn như vậy không phải là một điều tự nhiên. Chúng là cái giá mà nhân loại phải trả cho ‘cơn nghiện’ nhiên liệu hóa thạch”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết. “Báo cáo của United in Science năm nay cho thấy các tác động khí hậu đang tiến đến một mức độ chưa từng có trước đây”.
BĐKH làm tăng nhanh tình trạng nóng lên toàn cầu
Theo báo cáo, nhiệt độ của thế giới có thể sẽ cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng năm năm tới. Dù tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc tại Glasgow vào tháng 11 năm ngoái, các chính phủ đã nhất trí sẽ tập trung vào việc giữ nhiệt độ chỉ tăng trong giới hạn 1,5°C, tuy nhiên các cam kết và hành động cắt giảm khí thải của họ lại chưa đảm bảo được những gì cần thiết phải làm, báo cáo chỉ ra.
Kể từ COP26, giá khí đốt tăng vọt đã khiến cho một số chính phủ quay lại dùng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than. “Mỗi năm chúng ta lại tiếp tục sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, ngay cả khi vấn đề đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, Guterres cảnh báo về mối nguy hiểm.
Theo báo cáo, thế giới cũng thất bại trong việc thích ứng với những hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu. Guterres lên án các nước giàu – những quốc gia đã hứa sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, song cuối cùng lại không thực hiện. Theo Guterres, các quốc gia phát triển nên cung cấp 40 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, và họ cần tăng con số đó lên 300 tỷ USD một năm vào năm 2030.
Vấn đề thích ứng với các tác động của thời tiết cực đoan, và sự “mất mát và thiệt hại” mà các quốc gia dễ bị tổn thương đang phải đối mặt, có thể sẽ là một trong những vấn đề quan trọng tại cuộc đàm phán sắp tới về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc.
Tasneem Essop – giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động Khí hậu – cho biết, các chính phủ phải chuẩn bị cho COP27 với các kế hoạch hành động phản ánh đúng tính cấp bách của cuộc khủng hoảng. “Báo cáo của United in Science đã vẽ nên một bức tranh kinh hoàng về hiện thực cuộc sống của hàng triệu người – những người đang phải đối mặt với những thảm họa khí hậu liên tiếp. Các thông tin khoa học đã rất rõ ràng, nhưng ‘cơn nghiện’ nhiên liệu hóa thạch của các tập đoàn tham lam và các quốc gia giàu có đang dẫn đến tổn thất và thiệt hại cho những người vốn ít tác động nhất đến cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay”.
Biến đổi khí hậu làm tăng ít nhất 150 lần khả năng xảy ra tình trạng nóng cực đoan
Mới đây, một phân tích khoa học mới vừa công bố kết luận trên về đợt nắng nóng gây chết người tại Mỹ và Canada.
BĐKH đã góp 2°C vào mức nhiệt ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ và miền Tây Canada, dẫn đến những mức nóng kỷ lục.
Bà Sarah Kew, nhà nghiên cứu khí hậu, Viện Khí tượng học hoàng gia Hà Lan, cho biết: "Sự kiện cực đoan này gần như không thể có trong quá khứ, nhưng nay chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều đợt nắng nóng mạnh và thường xuyên hơn trong tương lai, khi tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra".
Nhóm 27 nhà khoa học quốc tế đã tính toán rằng, biến đổi khí hậu đã làm tăng khả năng xảy ra tình trạng nắng nóng cực đoan lên ít nhất 150 lần. Ví dụ như mức nhiệt tiệm cận 50°C mà vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ và miền Tây Canada trải qua vào cuối tháng 6 sẽ xảy ra cứ mỗi 5 đến 10 năm nếu thế giới nóng thêm 0,8°C.
Nhóm các nhà khoa học này đã nạp dữ liệu quan sát được trong đợt nắng nóng ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ và miền Tây Canada vào 21 mô hình trên máy tính và chạy vô số các mô phỏng. Sau đó, họ làm một mô phỏng thế giới không có những khí gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động đốt dầu khí, than gây ra. Sự chệnh lệch giữa hai mô hình sẽ cho thấy vai trò của biến đổi khí hậu đối với tình trạng tăng nhiệt độ.
Biến đổi khí hậu đe dọa sức khỏe con người
Vừa qua, tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân TP.HCM” do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức, các chuyên gia đánh giá, BĐKH tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, đó là lũ lụt, hạn hán, gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người như tử vong, mất tích, chấn thương, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, BĐKH tác động gián tiếp đến sức khỏe thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H5N1, tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả; Làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve)…..
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC chia sẻ: Những năm gần đây, BĐKH đã trở thành cụm từ quen thuộc trên thế giới. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do đó, cần ứng phó và hành động cụ thể với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Còn theo TS Nguyễn Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: BĐKH tác động không ít tới sức khỏe người dân TP.HCM. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng y tế dưới điều kiện BĐKH càng gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu cộng đồng nếu chưa có sự chuẩn bị.
Bên cạnh đó, TS Vũ Xuân Đán, Phó Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phân tích: TP.HCM là 1 trong 10 thành phố hàng đầu thế giới có số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt vì 40 – 50% diện tích trong khoảng 0 – 1 m so với mực nước biển; 15 – 20% trong khoảng 1 – 2 m so với mực nước biển và một số khu vực thường xuyên bị ngập. Nhiệt độ trung bình của toàn TP.HCM đã tăng khoảng 0,7oC, gây gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Vị chuyên gia này đánh giá, hiện tượng thời tiết cực đoan tăng tần suất và cường độ mưa bão, lũ lụt, gây tai nạn thương tích. Ngập lụt do mưa và triều cường gây ra các bệnh truyền nhiễm và bệnh lây truyền qua da. Nhiệt độ tăng gây gia tăng ô nhiễm không khí, phát sinh bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây.