Biến động dịu bớt, chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt giảm nhẹ
Các chỉ số đều 'lặng sóng' trong phiên này, trái ngược với những pha trồi sụt lịch sử ghi nhận trong những phiên gần đây...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (15/4), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý từ các công ty niêm yết và tâm lý của họ được cải thiện sau đợt biến động chóng mặt gần đây của giá cổ phiếu. Giá dầu thô cũng đi xuống do có thêm loạt dự báo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 155,83 điểm, tương đương giảm 0,38%, còn 40.368,96 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,17%, còn 5.396,63 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,05%, còn 16.396,63 điểm.
Các chỉ số đều “lặng sóng” trong phiên này, trái ngược với những pha trồi sụt lịch sử ghi nhận trong những phiên gần đây. Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư giảm còn 30 điểm, sau khi nhảy lên mức khoảng 60 điểm vào tuần trước.
Cổ phiếu Bank of America và Citigoup tăng tương ứng 3,6% và 1,8% sau khi hai ngân hàng lớn này công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 vượt kỳ vọng của giới phân tích. Trong khi đó, cổ phiếu Boeing giảm hơn 2% vì hãng tin Bloomberg đưa tin Bắc Kinh đã yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc không đặt mua thêm máy bay của nhà sản xuất Mỹ này.
Tuần này, chứng khoán Mỹ được nâng đỡ bởi việc chính quyền Tổng thống Donald Trump miễn thuế quan đối ứng cho hàng điện tử như smartphone, máy tính và linh kiện bán dẫn. Sự miễn trừ này được đưa ra trong một hướng dẫn của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) hôm thứ Sáu. Dù vậy, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick vào hôm Chủ nhật đều có ý nói rằng việc miễn thuế này chỉ là tạm thời.
Dù đã hồi phục trong thời gian gần đây, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vẫn chưa lấy lại được những gì đã mất kể từ khi ông Trump công bố thuế quan đối ứng hôm 2/4. Dow Jones và Nasdaq hiện giảm 4,4% mỗi chỉ số và S&P 500 giảm 4,8% so với thời điểm đó.
“Kịch bản xấu nhất đã không trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề là tin xấu về thương mại có thể xuất hiện trở lại bất kỳ lúc nào và thị trường có thể giảm 3%”, nhà sáng lập Larry Tentarelli của trang tin Blue Chip Daily Trend Report nhận định với hãng tin CNBC.
Tin tức liên quan đến thuế quan từ đầu tuần tới nay đã mang tới cho nhà đầu tư những tia hy vọng mới. Ông Trump cho biết ông đang xem xét điều chỉnh thuế quan 25% áp lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày thứ Ba nói ông Trump sẵn sàng đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh nên có động thái trước.
“Thị trường đang yên bình trở lại, nhưng vẫn còn chút bất an sau đợt biến động vừa rồi”, chiến lược gia đầu tư độc lập Louis Navellier nhận định trong một báo cáo.
Tăng điểm là xu hướng chung của chứng khoán thế giới trong phiên ngày thứ Hai. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 1,6%, chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1%, và chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 0,8%.
Chủ tịch Darrell Cronk của Viện Đầu tư Wells Fargo nhận định “thực đơn thuế quan cuối cùng vẫn chưa được thiết lập xong” và sẽ giữ vai trò quyết định suy thoái có xảy ra hay không. “Chúng ta nên xác định mức độ biến động sẽ còn cao, nhưng sự biến động có thể khiến chính quyền lo lắng. Bởi vậy, sẽ có một mức đáy cho thị trường và mức đỉnh cho lãi suất”, ông Cronk viết trong một báo cáo.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Ba, nối tiếp xu hướng giảm của ngày thứ Hai, nhờ giá trái phiếu hồi phục sau đợt bán tháo dữ dội vào tuần trước. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 3 điểm cơ bản, còn 4,333%, sau khi giảm gần 13 điểm cơ bản trong phiên đầu tuần.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,21 USD/thùng, tương đương giảm 0,32%, đóng cửa ở mức 64,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,2 USD/thùng, tương đương giảm 0,33%, chốt ở 61,33 USD/thùng.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi do chiến tranh thương mại đã gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu thời gian gần đây. Hôm thứ Hai, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Ngày thứ Ba, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng có động thái cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu.
Theo báo cáo hàng tháng của IEA, do ảnh hưởng từ thuế quan, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 730.000 thùng/ngày, từ mức 1,03 triệu thùng/ngày đưa ra trong lần dự báo trước. Về năm 2026, IEA cho rằng nhu cầu dầu của thế giới chỉ tăng 690.000 thùng/ngày.
Ngân hàng UBS mạnh tay cắt giảm dự báo giá dầu Brent năm nay về 68 USD/thùng, thấp hơn 12 USD/thùng so với lần dự báo trước. “Nếu thương chiến tiếp tục leo thang, trong kịch bản xấu hơn của chúng tôi - cụ thể là kinh tế Mỹ suy thoái và kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng - giá dầu Brent có thể giảm về 40-60 USD/thùng trong những tháng tới”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định trong một báo cáo.
Ngân hàng BNP Paribas cũng hạ dự báo giá dầu Brent bình quân của năm nay và năm tới về 58 USD/thùng từ 65 USD/thùng trước đó.