Biển Đông: Đối thoại Mỹ-Philippines không đạt nhiều kỳ vọng
Mặc dù hai nước đều tái khẳng định cam kết đối với Hiệp ước phòng thủ chung, nhưng cuộc đối thoại đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đề cập đến các vấn đề tranh chấp ở khu vực biển Đông.
Hôm 16-7, cuộc Đối thoại Song phương Chiến lược Mỹ-Philippines lần thứ 8 đã diễn ra tại thủ đô Manila kéo dài hai ngày. Trong tuyên bố chung kết thúc đối thoại, phái đoàn hai nước nhắc lại cam kết của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 3 rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lực lượng Philippines trong khu vực sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung hai bên (MDT).
Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), lưu ý nội dung này đã được đề cập trong báo cáo chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc hồi tháng trước. Do đó, nhiều khả năng cam kết của ông Pompeo sẽ không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, ông Poling cũng cho rằng tuyên bố chung Mỹ-Philippines đã không đề cập đến những đụng độ xảy ra ở bãi cạn Scarborough. Giám đốc Poling nhận định: "Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội để lên tiếng rằng họ và các đồng minh sẽ không chấp nhận bất kỳ công trình nào được xây dựng ở đây".
Theo phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực, ngư dân Philippines, Trung Quốc và nhiều nước khác đều có quyền khai thác ở khu vực này. Tuy nhiên tính đến nay, các lực lượng Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản tàu Philippines tiếp cận sâu hơn vào bên trong bãi cạn Scarborough.
"Tuyên bố cũng không đề cập đến lo ngại của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana về chiến thuật 'vùng xám' của Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố cũng đã để ngỏ khả năng tái định nghĩa cụm từ 'bất kỳ cuộc tấn công' nào nhằm vào lực lượng Philippines sẽ bao gồm xung đột đối với dân quân biển Trung Quốc hoặc thậm chí chỉ cần một tuyên bố đe dọa (từ Trung Quốc)", ông Gregory Poling cho biết.