Biến động giá vàng: Tp.HCM đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường vàng

Trước tình hình giá vàng tăng cao thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM và đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã có lý giải.

Giá vàng biến động có nguyên nhân khách quan

Tại họp báo kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh chiều 16/5, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá vàng biến động trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới.

Sự xung đột địa chính trị quốc tế khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới gom mua vàng, đẩy giá vàng lên cao, do đó giá vàng trong nước bị tác động từ giá vàng thế giới.

Bên cạnh đó, vàng được coi là một kênh đầu tư tài chính ưa chuộng, nên nhà đầu tư có xu hướng mua vàng, gây áp lực lên cung - cầu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại họp báo chiều 16/5.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại họp báo chiều 16/5.

Trước biến động giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực thi các chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có hoạt động tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC.

Về hoạt động đấu thầu, ông Lệnh cho rằng, đây là giải pháp nghiệp vụ của ngân hàng trung ương nhằm tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường, góp phần đảm bảo ổn định thị trường.

Ngoài ra, hoạt động này nhằm mục đích phát ra tín hiệu định hướng điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường vàng, không gây tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Nhu cầu cao dẫn tới việc giá vàng tăng "nóng"

Phát biểu tại họp báo, bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, kể từ năm 2012, SJC trở thành thương hiệu quốc gia và được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước.

Từ thời điểm đó, SJC không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như dập vàng miếng SJC. Hiện nay, SJC chỉ được gia công vàng mót và kinh doanh vàng, bạc, đá quý đơn thuần.

Theo bà Hằng, các hoạt động gia công vàng miếng SJC đều được quản lý, giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Công ty SJC cũng như Ngân hàng Nhà nước không nhận được lợi ích gì từ biến động giá vàng, chênh lệch giá vàng thế giới.

"Sau 12 năm trở thành thương hiệu quốc gia, SJC hoàn toàn không có lợi ích. SJC đã thể hiện đúng vai trò là một thương hiệu quốc gia, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước", bà Hằng nói.

Cũng tại buổi họp báo, bà Hằng cho biết, Nghị định 24/2012 ra đời đã làm rất tốt vai trò và rất thành công. Tuy nhiên, bà đề xuất nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng trong Nghị định vì độc quyền vàng không mang lại lợi ích cho SJC hay cá nhân, tập thể nào cả.

"SJC mang tiếng là thương hiệu vàng độc quyền. Tôi hy vọng có thể cởi bỏ độc quyền về vàng miếng để tất cả thương hiệu đủ điều kiện dập vàng miếng và cạnh tranh tranh công bằng. Qua đó, người dân có thể lựa chọn mua thương hiệu mình mong muốn", bà chia sẻ.

Đồng thời, Tổng Giám đốc SJC đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng bởi vì không có nguyên liệu để sản xuất dẫn tới vàng nhập lậu rất nhiều.

Bởi lẽ, việc không được nhập vàng cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung vàng ra thị trường, trong khi nhu cầu người dân quá cao dẫn tới việc giá vàng tăng "nóng".

Về phía cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đề ra các giải pháp trung và dài hạn, tiếp tục quan sát, đánh giá toàn diện diễn biến thị trường vàng. Từ đó, có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế tại Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Thông tin bằng văn bản đến họp báo, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 14/5, cơ quan này đã phát hiện, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn.

Qua đó, đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) để thử nghiệm xác định trọng lượng, hàm lượng vàng với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.

Các vụ việc hiện cũng đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Tính đến nay, cơ quan quản lý này đã xử phạt 21 vụ với số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng vàng theo đúng trình tự thủ tục theo quy định, khi phát hiện các hành vi vi phạm thì sẽ được ngăn chặn kịp thời và bị xử lý nghiêm, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bien-dong-gia-vang-tphcm-dam-bao-nguon-cung-binh-on-thi-truong-vang-a663939.html