Vì sao môi giới bất động sản được đào tạo nhưng không được cấp chứng chỉ?

Trong số hơn 300.000 môi giới đang hành nghề trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhưng chỉ có khoảng 40.000 người được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ; còn lại một lượng lớn môi giới BĐS mặc dù đã được đào tạo bài bản nhưng vẫn không được cấp chứng chỉ hành nghề.

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Cách đây 30 năm, Luật Đất đai năm 1993 ra đời cho phép việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường BĐS Việt Nam hình thành, phát triển. Đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh BĐS, với các quy định liên quan tới hoạt động môi giới BĐS theo hướng cởi mở hơn. Cho đến nay, sau gần 20 năm hình thành, phát triển, lực lượng môi giới BĐS đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thông qua lực lượng trung gian này, hàng trăm nghìn giao dịch với giá trị hàng triệu tỷ đồng đã được kết nối thực hiện mỗi năm.

Thực tế, những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng “nóng” của thị trường BĐS, vai trò của môi giới BĐS đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe. Bên cạnh những môi giới hoạt động không có Chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém, ngày càng có nhiều môi giới nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng, kiến thức tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả, công bằng cho cả người mua và người bán.

Lực lượng môi giới BĐS đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của thị trường.

Lực lượng môi giới BĐS đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của thị trường.

“Khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề. Dù có nhiều hơn số lượng môi giới này đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch nhưng lại chưa có chứng chỉ chỉ vì không có suất thi” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Trần Văn Bình cho hay.

Trước đó, theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng. Tỷ lệ các kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu.

Ví dụ tại Hà Nội, địa phương có hàng vạn môi giới BĐS hoạt động nhưng chỉ tổ chức 2, 3 lần trong năm, với khoảng 2.000 – 3.000 ngàn lượt thí sinh tham dự; TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Thậm chí, nhiều vùng, địa phương, có nhu cầu về chứng chỉ rất lớn nhưng không tổ chức bởi không đủ nguồn lực, kinh nghiệm, chuyên môn thực hiện, lo ngại sai sót.

Cần ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn đối với môi giới

Dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho thấy, cả nước chỉ có 15/63 tỉnh thành tổ chức các kỳ thi chứng chỉ môi giới BĐS. Trước thực trạng đó, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 được thông qua đã có các quy định mới về phương thức tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.

Cụ thể, theo Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ, từ đó sẽ giúp nâng cao vai trò, ràng buộc pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch, hoạt động đi vào nề nếp, chính quy, chuyên nghiệp hơn, sẽ có nhiều hơn môi giới BĐS chân chính, xây dựng thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam nói chung. Đồng thời, dần dần thay đổi sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề môi giới BĐS.

Cần phải có quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với những người hành nghề môi giới BĐS.

Cần phải có quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với những người hành nghề môi giới BĐS.

Do đó, để hướng đến một thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, nâng cao vị thế nghề môi giới, bảo vệ các nhà mỗi giới BĐS chân chính, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chỉ định cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới BĐS đúng luật.

Bên cạnh đó, rất cần thiết phải rà soát lại, làm rõ vai trò của các tổ chức chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chứng chỉ hành nghề, cấp - quản lý mã số định danh, tham gia vào việc khuyến cáo, giám sát Hội viên thực hiện đúng pháp luật, để việc quản lý, phát triển thị trường BĐS của Nhà nước thực sự hiệu quả, tiết kiệm ngân sách quốc gia.

“Đề nghị Bộ Xây dựng ngoài việc phân cấp cho Sở Xây dựng tổ chức kỳ thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, có thể giao hoặc ủy quyền cho một số đơn vị chuyên môn nghề nghiệp tổ chức thực hiện. Điều này phù hợp hơn theo quan điểm về một kỳ thi quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, thi cử, tránh phát sinh tiêu cực. Người làm nghề môi giới BĐS buộc phải có thái độ nghiêm túc trong việc chuẩn bị kiến thức pháp luật cũng như trải qua đào tạo, sát hạch để được thông qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính kiến nghị.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-moi-gioi-bat-dong-san-duoc-dao-tao-nhung-khong-duoc-cap-chung-chi.html