Biến động tại Bangladesh, các CTCK nói gì về triển vọng cổ phiếu dệt may Việt Nam?

Những bất ổn trong thời gian gần đây đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của Bangladesh. Tình hình này tác động trực tiếp đến ngành dệt may, ngành chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phần nào được 'hưởng lợi', nếu được đón nhận những đơn hàng được dịch chuyển.

Chứng khoán Agriseco và SSI trong báo cáo mới cập nhật đã đưa ra những đánh giá về tác động tới ngành dệt may và các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam nhìn từ việc sự kiện tại Bangladesh.

Theo Agriseco Research, sự kiện bạo động diễn ra tại quốc gia này khiến chuỗi cung ứng ngành dệt may tạm thời bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty may mặc toàn cầu, đặc biệt với các công ty có đặt cơ sở sản xuất tại Bangladesh như H&M, Zara,...

Về dài hạn, các doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ suy nghĩ đến việc tìm một quốc gia thay thế Bangladesh trong chuỗi cung ứng ngành dệt may bởi tình trạng bất ổn và những rủi ro gián đoạn tiềm ẩn. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng hoàn thiện.

Chung quan điểm, SSI Research lưu ý rằng các thương hiệu thời trang hàng đầu từ Châu Âu (H&M, Zara...) đều là những mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, do đó, nhiều khách hàng đã cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Là một quốc gia láng giềng cung cấp bông cho Bangladesh, SSI cho rằng Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn nhất trong biến động ngắn hạn này.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường Châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT (đơn đặt hàng sản xuất may gia công của các công ty thời trang lớn nước ngoài cho các xưởng may mặc quần áo tại Việt Nam như: áo sơ mi, áo phông, quần jeans…) ở mức cao (đây là lợi thế cạnh tranh của Bangladesh) có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

SSI Research cũng lưu ý rằng thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Hoa Kỳ vẫn giữ ổn định ở mức 7,1% từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 và Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam (thị phần của Việt Nam tại Hoa Kỳ là 15%).

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phần nào được “hưởng lợi”, nếu được đón nhận những đơn hàng được dịch chuyển từBangladesh. Ảnh: Báo Bình Dương

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phần nào được “hưởng lợi”, nếu được đón nhận những đơn hàng được dịch chuyển từBangladesh. Ảnh: Báo Bình Dương

Do đó, ngoài mức tăng gần đây của cổ phiếu dệt may trong những ngày gần đây, đơn vị này cho rằng CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do có tỷ trọng đóng góp cao từ thị trường Châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT cao hơn so với các công ty cùng ngành.

Trong nửa đầu năm 2024, TNG đã công bố tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 6% và 30% so với cùng kỳ, ban lãnh đạo cho biết, kết quả này phản ánh một phần về sự thay đổi trong các đơn đặt hàng được chuyển từ Bangladesh kể từ đầu năm. Trong quý II, doanh thu của TNG tăng 61% so với quý trước. Doanh nghiệp cho biết có đủ đơn đặt hàng cho đến cuối năm và đang đàm phán giá cho các đơn đặt hàng trong năm 2025.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcap (VCI) phân tích, trong quý I, TNG liên tục nhận các đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon để chuẩn bị cho thế vận hội Olympic 2024 diễn ra trong quý III. Do đó giá gia công sản phẩm đã có sự cải thiện 5%, giúp làm tăng biên lợi nhuận gộp của TNG. Dự kiến đơn hàng sẽ tăng và giữ mức cao đến hết quý III và giảm nhẹ vào quý IV do các nhãn hàng sẽ phải nhập thêm hàng tồn kho vào các quý đầu 2024

TNG cho biết có dự định đưa thêm 45 dây chuyền sản xuất vào hoạt động (tương ứng tăng 15% công suất) và tuyển dụng thêm 2.000-3.000 nhân công để phục vụ các dây chuyền mới, điều này cho thấy sự tự tin về triển vọng các đơn hàng của doanh nghiệp.

Ngoài TNG, May Sông Hồng (mã: MSH) cũng được đánh giá cao do có tỷ trọng đơn hàng fob cao trong cơ cấu doanh thu.

May Sông Hồng là một trong số các doanh nghiệp dệt may chú trọng chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng đơn hàng FOB (Free On Board) thay vì đơn hàng gia công CMT (Cut - Make - Trip). So với đơn hàng CMT, FOB là phương thức có biên lợi nhuận cao hơn do doanh nghiệp được chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào để làm ra sản phẩm.

Thông qua phương thức FOB, May Sông Hồng có thể tham gia vào việc tìm nguồn cung ứng cho các yếu tố đầu vào và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Đối với nhóm sản phẩm FOB và chăn ga gối đệm, doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào, ưu tiên phát triển mạng lưới hợp tác với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước.

Do đó, May Sông Hồng có biên lợi nhuận gộp ở đơn hàng FOB và chăn ga gối đệm dao động khoảng 14% - 23%, vượt trội so với mức biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 4% của đơn hàng CMT.

Cổ phiếu ngành dệt may trên đà “hưng phấn”

Kết phiên 12/8, cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng ấn tượng. Các mã nổi bật đầu ngành như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã: VGT), Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM), TNG, MSH đều bật tăng 2-4%. Đáng chú ý, đa số các mã này đều trong trong sắc xanh” những phiên gần đây.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bien-dong-tai-bangladesh-cac-ctck-noi-gi-ve-trien-vong-co-phieu-det-may-viet-nam.html