Biến động thuế quan: Từ lời 'nhắc nhở' tới cảnh báo dành cho doanh nghiệp

Thuế quan Mỹ đã 'nhắc nhở' sự thức tỉnh trong quan hệ với các đối tác thương mại, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, tái cấu trúc nhanh hơn theo hướng 'không bỏ trứng vào một giỏ'.

Mức thuế đối ứng của Mỹ tăng rất cao khiến các doanh nghiệp, nhất là trong ngành hàng xuất khẩu nhiều như dệt may, chịu ảnh hưởng lớn (Ảnh: Dũng Minh)

Mức thuế đối ứng của Mỹ tăng rất cao khiến các doanh nghiệp, nhất là trong ngành hàng xuất khẩu nhiều như dệt may, chịu ảnh hưởng lớn (Ảnh: Dũng Minh)

Nguy cơ treo lơ lửng

Phòng họp tầng 7 tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cuối tuần qua chật kín khách mời. Ngoài các nhà quản lý, phần lớn trong số này là doanh nghiệp đến từ khắp ba miền đất nước đến dự Hội thảo “Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”. Những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được VCCI tập hợp để gửi tới Đoàn đàm phán của Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.

Sự quan tâm của doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi, bởi thuế quan đối ứng của Mỹ công bố hôm 2/4 đã làm xáo trộn hoạt động của không ít doanh nghiệp. Dù lúc này, Mỹ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng 46% trong vòng 90 ngày (chịu mức thuế 10% trong thời gian này), mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang treo lơ lửng phía trước.

Bay từ Bình Dương ra Hà Nội dự Hội thảo, ông Nguyễn Văn Ca, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp Phúc Cần (đóng tại KCN Nam Tân Uyên) cho biết: “Ngay sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng với Việt Nam, một khách hàng nhập khẩu của Công ty đã thông báo tạm dừng đơn hàng đã ký trị giá vài triệu USD”.

Phúc Cần là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, vào Việt Nam hơn 10 năm, quy mô hơn 1.000 công nhân, chỉ là một trong hàng ngàn doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro từ thuế quan khi khách hàng thông báo tạm dừng đơn hàng.

Chỉ trong vòng 4 ngày sau thông báo áp thuế của Mỹ (từ ngày 5 đến 8/4), Bình Dương đã ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng và ít nhất 175 đơn hàng có nguy cơ bị hủy trong thời gian tới.

Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.

“Lúc này, chúng tôi nỗ lực thương lượng với khách để tăng giá xuất khẩu, mong đối tác chia sẻ khó khăn, cốt sao duy trì sản xuất, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Doanh nghiệp mong chờ vào tin tốt từ Đoàn đàm phán thuế quan của Chính phủ với Mỹ”, ông Ca nói.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ, nhiều doanh nghiệp dù xuất đi các thị trường khác cũng bị tác động tới việc lo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Nữ trang D&Q (100% vốn Nhật Bản), đóng tại Hải Phòng, quy mô xuất khẩu vài trăm triệu USD mỗi năm.

Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Kim Anh, Giám đốc Công ty D&Q cho hay: “Thuế đối ứng của Mỹ khiến kế hoạch mở rộng tìm kiếm khách hàng nhập khẩu tại Mỹ bị chậm lại, nên doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh. Cùng với đó, bài toán nguyên liệu đầu vào cũng khó hơn”.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, chính sách thuế đối ứng của Mỹ dù tạm xuống 10% trong 90 ngày, nhưng đã tạo áp lực đáng kể lên các chính phủ, doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng khó khăn. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ.

Rủi ro, khó khăn kép là không thể tránh khỏi, bởi theo rà soát của VCCI, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Mỹ, với các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị…

Đáng lưu ý, một số ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50% như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử. Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề, gồm mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cần phải nói thêm, thuế đối ứng của Mỹ là loại thuế được bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí khác đang được áp lên các ngành hàng, do đó, tác động với doanh nghiệp là vô cùng nặng nề.

Đơn cử, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đang chịu thuế suất trung bình 17- 18%, cộng với thuế quan đối ứng tạm thời 10%, sẽ tăng lên thành 28%.

“Áp thuế 10% thôi, doanh nghiệp đã đủ khó rồi, nay lại tăng gần gấp 3 lần thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở đâu”, giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên than thở.

Nhưng không chỉ đơn thuần thể hiện ở nỗi khó khăn của doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn, hệ lụy là kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động nhiều chiều. Đáng quan ngại là tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại khi hàng hóa từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan… không xuất được vào Mỹ, sẽ đổ bộ vào thị trường nước ta, làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại. Về dài hạn, thuế quan sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp FDI, khiến họ phải tính toán lại đầu tư.

Sức ép để doanh nghiệp thay đổi

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, thuế quan là điều không ai mong muốn, nhất là các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ vẫn có nhu cầu lớn đối với sản phẩm của Việt Nam, song trước tác động từ thuế quan, chúng ta phải tích cực mở rộng thị trường. Đây cũng là chất xúc tác, tạo sức ép để doanh nghiệp thay đổi theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng, gia tăng khả năng sản xuất nguyên liệu, mở rộng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu từ hơn 60 thị trường có FTA.

“Thời gian qua, xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp Việt còn rất yếu trong khai thác thị trường có FTA”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI thừa nhận.

Cũng theo ông Tuấn, thách thức trong kinh doanh thương mại không bao giờ hết, nhưng tự nâng cao nội lực vẫn là nhóm giải pháp đầu tiên và quan trọng với mỗi doanh nghiệp, ngành hàng.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thay đổi khi ở trong tình thế bắt buộc, các chuyên gia tại Hội thảo cho biết: “Năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới, thì đầu năm 1990, thị trường Đông Âu sụp đổ, kinh tế Việt Nam vốn dựa vào khu vực này bị mất hoàn toàn chỗ dựa. Nhưng cuối cùng, Việt Nam đã có sự chuyển mình ngoạn mục. Cú sốc thuế quan Mỹ lần này buộc các doanh nghiệp phải ứng phó, nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu, vươn lên mạnh mẽ hơn”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thuế quan Mỹ đã “nhắc nhở” sự thức tỉnh trong quan hệ với các đối tác thương mại, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, tái cấu trúc nhanh hơn theo hướng: “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Tuy nhiên, việc đa dạng hóa thị trường không phải điều dễ dàng, vì chuyển sản phẩm xuất khẩu sang thị trường mới khó gấp 3 lần giữ thị trường cũ. Do đó, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, phải giảm tỷ trọng hàng xuất sang Mỹ, nhưng không phải theo hướng giảm xuất khẩu, mà phải giữ như hiện tại, nhưng tăng xuất sang các thị trường khác, đa dạng nguồn cung đầu vào với các lô hàng xuất đi Mỹ, đảm bảo sự minh bạch cao nhất.

Cấu trúc thương mại của Việt Nam dường như không thay đổi trong bao năm nay, đóng góp lớn chủ yếu do khu vực FDI, doanh nghiệp nội đóng góp ít, chưa chịu nâng mình lên trong chuỗi cung ứng để tham gia được vào các mắt xích của chuỗi FDI, khi họ đã chọn Việt Nam đặt nhà máy.

Nhiều ý kiến cho rằng, ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, thông điệp kéo giảm thặng dư thương mại đã được các chuyên gia cảnh báo tới các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sự thay đổi khá chậm. Bài toán cần lời giải cho giai đoạn tới là giữ được “miếng bánh” tại thị trường Mỹ cho những sản phẩm và hàng hóa có giá trị gia tăng cao của Việt Nam. Với những hàng hóa mà hàm lượng nội địa thấp, có giải pháp để giảm thiểu, tăng mua hàng hóa từ Mỹ, dần rút ngắn thặng dư thương mại, tiến tới quan hệ ngoại thương theo hướng cân bằng, bền vững.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bien-dong-thue-quan-tu-loi-nhac-nho-toi-canh-bao-danh-cho-doanh-nghiep-d270331.html