Biến động trên chính trường Pháp và rủi ro đối với các thị trường

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm đã khiến các thị trường lo lắng. Những bất ổn trên chính trường Pháp trong tuần qua đã khiến thị trường tài chính phản ứng tiêu cực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần trước, chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch Paris liên tục sụt giảm, khiến giá trị các loại cổ phiếu “bay hơi” 258 tỷ euro (277,03 USD) và lợi suất trái phiếu, tài sản thường có xu hướng biến động trái chiều với chứng khoán, tăng lên. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, thị trường chứng khoán London đã thay thế Paris trở thành sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu.

Nhà phân tích Dominik của Ngân hàng Thương mại Czech cảnh báo, những thông báo về cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở Pháp gây quan ngại cho các thị trường. Ông Dominik phân tích, vào năm 2012, khi cuộc khủng hoảng nợ ở

Khu vực đồng euro

(Eurozone) đang bùng phát, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên mức đỉnh, kéo rộng khoảng cách chênh lệnh so với lợi suất trái phiếu 10 năm của Pháp vượt quá 0,8 điểm phần trăm.

Vào ngày 18/6, mức chênh lệch này quanh ngưỡng 0,7 điểm phần trăm, nhưng ở chiều ngược lại, khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Pháp tăng lên là 3,13%.

Theo các nhà phân tích tài chính, mặc dù cổ phiếu của Pháp đã phần nào hồi phục, tăng nhẹ kể từ đầu tuần này, nhưng thời điểm tồi tệ có lẽ vẫn chưa xảy ra. Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Đức và

Pháp sẽ vẫn ở mức cao trong những tuần tới. Các chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng điều này có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán của Pháp, đặc biệt là hệ thống ngân hàng của nước này, bởi các ngân hàng rất nhạy cảm với sự khác biệt giữa lợi suất trái phiếu chính phủ.

Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước bao gồm các công ty hoạt động chủ yếu ở thị trường Pháp, như chuỗi bán lẻ Carrefour, công ty xây dựng Vinci hay công ty năng lượng Engie nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng.

Bảng chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Bảng chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, thị trường còn thận trọng trước viễn cảnh một kết quả bầu cử không như dự kiến có thể ảnh hưởng không thuận lợi đến các ngân hàng. Từ quan điểm của thị trường, có thể thấy tính bền vững của nợ công Pháp hiện đang đứng trước rủi ro. Và trên thực tế thì Pháp là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất nếu có biến động xảy ra do nước này hiện sở hữu mức nợ công cao thứ ba trong Liên minh châu Âu (111% GDP). Năm 2023 thâm hụt ngân sách Pháp lên tới 5,5% GDP.

Người Pháp lo lắng về một kịch bản tương tự ở Anh hai năm trước sẽ xảy ra đối với họ. Vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã bùng phát sau khi Thủ tướng Anh Liz Truss đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất kể từ năm 1972 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các ưu đãi đầu tư. Thị trường tài chính ngay lập tức phản ứng với động thái chính sách của Thủ tướng Anh. Các nhà đầu tư lo ngại thâm hụt tài chính công sẽ tăng mạnh vào thời điểm lãi suất đang tăng. Kết quả là đồng bảng Anh (GBP) mất giá so với đồng USD xuống mức thấp kỷ lục (tỷ giá hối đoái lúc đó là 1 GBP đổi 1,0327 USD) và giá trái phiếu chính phủ Anh giảm mạnh. Cuối cùng ngân hàng trung ương Anh đã phải can thiệp để ổn định thị trường và nền kinh tế.

Câu chuyện từ Anh cho thấy, kết quả bầu cử không như dự kiến có thể sẽ khiến thị trường chứng khoán Pháp sẽ rơi vào khủng hoảng và nhiều khả năng giảm sâu. Tuy nhiên, đây không phải là rủi ro chính trị duy nhất nảy sinh từ cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp. Các chiến lược gia đang lo lắng về tình trạng bế tắc chính trị tại Quốc hội nước này.

Một số chuyên gia thận trọng khi dự báo về những diễn biến trong tương lai. Bà Evelyne Gomez-Liechti, chiến lược gia kinh tế chuyên về mảng lãi suất tại ngân hàng Mizuho International, cho rằng, tốt nhất các nhà đầu tư nên chờ đợi và “đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đầu tư”.

Điều này cũng có thể tạo tác động dây chuyền đến các thị trường chứng khoán khác ở châu Âu nói chung. Ngân hàng Citigroup mới đây đã hạ xếp hạng triển vọng của các loại cổ phiếu châu Âu. Báo cáo của ngân hàng này nêu rõ, khách hàng toàn cầu, nhất là từ châu Á và Mỹ, khi tính toán đầu tư vào châu Âu, điều đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là rủi ro về chính trị mang lại.

Việt Dũng (P/v TTXVN tại Praha)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bien-dong-tren-chinh-truong-phap-va-rui-ro-doi-voi-cac-thi-truong/337921.html