Mới: Xuất hiện hàng nước ngoài 'mặc áo' thương hiệu Việt Nam

Hầu hết các nhà bán lẻ cho biết tỉ lệ hàng Việt trên quầy kệ chiếm tối thiểu 85%

Ngày 27-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn tổ chức hội thảo “Thương hiệu- “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp (DN) Việt”.

Hàng nước ngoài được đặt thương hiệu Việt bán tại nội địa

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op- Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam dẫn thống kê của Bộ Công thương cho biết, doanh số bán lẻ năm 2023 đạt 142 tỉ USD, dự kiến 2025 đạt 350 tỉ USD.

Cùng xu hướng phát triển của thương mại hiện đại đã tạo động lực cho hàng Việt có chỗ dựa để phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Hầu hết các nhà bán lẻ cho biết tỉ lệ hàng Việt trên quầy kệ chiếm tối thiểu 85%.

Theo ông Đức, hàng Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản , Hàn Quốc...nhưng chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng nhập khẩu của các nước. Đây là tỉ lệ khiêm tốn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, lây nay chúng ta hay nói hàng Việt phải khoác áo của thương hiệu của nước ngoài để có thể đi xa. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng xuất hiện chiều ngược lại là hàng nước ngoài, hàng Trung Quốc được DN nhập khẩu, tổ chức sản xuất lại, đặt thương hiệu Việt.

Điều này cho thấy nước ngoài quan tâm, chấp nhận hàng hóa “mặc áo” của Việt Nam, tên Việt Nam để thâm nhập thị trường.

“Đây là nét mới. Thương hiệu-nội lực mềm trong bối cảnh thương mại xanh cần nhận diện đầy đủ hơn chứ không đơn thuần chỉ là thương hiệu lâu nay đã bàn nhiều” -ông Hòa lưu ý.

Ông Phạm Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt đồng tình với những hạn chế, khó khăn của hàng Việt.

Đặc biệt, nông sản thời gian qua và đến nay chúng ta xuất khẩu đứng thứ 10 thế giới nhưng rất ít sản phẩm mang thương hiệu Việt mà thông qua thương hiệu của các nước hoặc xuất thô để họ chế biến.

Theo ông Cường, đây là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản nhưng quá trình này ngắn hay dài phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, quyết tâm hành động của DN.

 Tại các hệ thống siêu thị hàng Việt chiếm tối thiểu từ 85%. Ảnh: TÚ UYÊN

Tại các hệ thống siêu thị hàng Việt chiếm tối thiểu từ 85%. Ảnh: TÚ UYÊN

Cần ba yếu tố xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia

Theo ông Nguyễn Anh Đức, để thương hiệu hàng Việt Nam phát triển tốt hơn trong thời gian tới, Nhà nước cần quy hoạch tổng thể, phân công hóa đối với vùng cung ứng thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, các vùng.

Ví dụ sản phẩm OCOP (mỗi làng xã một sản phẩm) hiện nay nhà nhà phát triển OCOP, khó nhận diện đâu là sản phẩm đặc trưng.

“Qua thống kê cho thấy hàng Việt Nam chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng nhập khẩu của các nước. Chúng ta cần quy hoạch sản phẩm mũi nhọn cạnh tranh ở những thị trường này để gia tăng tỉ lệ hàng Việt. Đồng thời, định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia để khi nhắc đến Việt Nam khách hàng nghĩ ngay đến sản phẩm đó”-ông Đức nói.

Ông Cường cho biết, sản xuất nông nghiệp Việt Nam manh mún, người nông dân tự phát. Quy mô đất sản xuất trồng trọt trung bình 0,2-0,3 hecta, trong khi các trang trại Châu Âu hàng trăm ngàn hecta và tự động hóa.

Để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam nếu không đảm bảo ba yếu tố ổn định về chất lượng, số lượng, giá cả thì khó.

Tuy nhiên, để đáp ứng được chúng ta phải có vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng nhất áp dụng quy trình canh tác theo sản phẩm xanh hay tuần hoàn và các sản phẩm phải có chứng nhận.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tổ chức lại sản xuất. Chuyển giao quy trình công nghệ cho người nông dân, khuyến khích liên kết giữa hợp tác xã và DN.

“Thương hiệu nông sản Việt không chỉ là nội lực mềm của DN mà của quốc gia. Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu Việt ra nước nước ngoài, đây là tấm visa để hàng Việt vươn xa ra thế giới”-ông Cường nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/moi-xuat-hien-hang-nuoc-ngoai-mac-ao-thuong-hieu-viet-nam-post797705.html