Biến động tỷ giá cuối năm: Áp lực nhưng không quá lo ngại

Gần đây, giá USD trên thị trường là hơn 23.915 đồng/USD, cao hơn gần 200 đồng/USD so với giữa năm 2023. Giá USD tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và sự điều hành vĩ mô của nền kinh tế.

Công ty CP Kết cấu thép GSB, Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) nhập khẩu nhiều sắt, thép để sản xuất nên giá USD tăng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Ảnh: V.Gia

Công ty CP Kết cấu thép GSB, Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) nhập khẩu nhiều sắt, thép để sản xuất nên giá USD tăng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Ảnh: V.Gia

Áp lực là hiện hữu và DN cũng cần có các giải pháp ứng phó, tuy nhiên sắp sửa kết thúc năm 2023, nhìn lại biến động về tỷ giá, dù có những con sóng nhỏ song không đáng lo ngại như đợt xáo trộn trong năm 2022.

* Tỷ giá vẫn “neo” cao

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm VND/USD ngày 24-12 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh mức 23,915 VND/USD, giảm 5 đồng so với chốt phiên giao dịch ngày 22-12. Tỷ giá hàng ngày có tăng, có giảm và tính chung trong tuần, tỷ giá tăng 33 đồng từ 23.882 VND/USD lên 23.915 VND/USD.

Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23.400-25.060 VND/USD. Tỷ giá đồng USD cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.060 VND/USD.

Ở các ngân hàng theo đó cũng có giảm, cụ thể Vietcombank có mức mua vào là 24.030 đồng và mức bán ra là 24.400 đồng; VietinBank mua vào 24.030 đồng và bán ra 24.450 đồng; BIDV mua vào 24.115 đồng, bán ra 24.415 đồng. Nhìn chung, giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400-25.300 VND/USD. Nếu so với 6 tháng trước, tỷ giá VND/USD hiện nay đã tăng gần 200 đồng/USD.

Tỷ giá tăng có thể khiến hoạt động kinh doanh của một số DN vay USD, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng dịp cuối năm. Các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ làm sụt giảm lợi nhuận, mức độ ảnh hưởng như thế nào tùy vào DN cụ thể. Trường hợp DN phát sinh doanh thu từ USD hoặc hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác thì từ đó có thể đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, đại diện Công ty CP Kết cấu thép GSB (Khu công nghiệp Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) thì tỷ giá tăng cũng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Cụ thể là hiện nay, một số nhà cung ứng thép cho công ty đã có nhiều đợt tăng giá bán, trong khi đó các hợp đồng xây dựng đã chốt từ trước với khách hàng thì không thể điều chỉnh tăng như thị trường được.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng sẽ tác động ngay lập tức đến hoạt động thương mại. Các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ đội thêm chi phí khiến sản phẩm trong nước tăng theo, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, áp lực từ tỷ giá sẽ không quá lớn như năm ngoái vì năm nay có thêm nhiều yếu tố thuận lợi.

* Biến động nhưng không quá đáng ngại

Nhìn lại tỷ giá trong năm 2023 có thể thấy sự biến động là điều thường xuyên, tuy nhiên trong bối cảnh mà nhiều biện pháp được đưa ra từ các nước, đặc biệt là điều hành kinh tế ở Mỹ thì năm nay việc biến động ấy cũng chưa thực sự là điều đáng ngại, nhất là khi so sánh với năm 2022.

Năm ngoái, tỷ giá “nổi sóng” trong quý III khi giá USD ngân hàng lập đỉnh, lên sát 24.900 đồng. Tỷ giá ngân hàng có lúc tăng lên gần 8,5% so với đầu năm, trước khi hạ nhiệt vào tháng cuối năm. Đợt tăng nóng của tỷ giá năm 2022 diễn ra sau khi NHNN cho phép nới biên độ tỷ giá giao ngay thêm 2%, trước diễn biến quốc tế khó lường khi xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hiện tại, mặc dù tỷ giá USD/VND vẫn ở mức khá cao, song không biến động lớn trong những phiên giao dịch thời gian qua. Có nhiều thời điểm, tỷ giá USD/VND còn giảm, trái với thông lệ hằng năm. Theo giới chuyên gia, áp lực tỷ giá vào cuối năm vẫn còn, nhưng không đáng ngại.

Đối với các DN, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thì cần phải tính toán thật sát với diễn biến thị trường. DN phải bảo đảm khả năng thanh toán cho các hoạt động, tận dụng tối đa room tín dụng để thương lượng với các tổ chức tín dụng nhằm có ưu đãi về lãi suất. Bên cạnh đó, quản trị dòng tiền để tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, gia tăng biên lợi nhuận. Việc chủ động, liên kết với các đơn vị khác để tích trữ và chuẩn bị nguồn tiền trả nợ trong điều kiện tỷ giá USD tăng cao cũng cần được chú trọng.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, đại diện Công ty CP Kết cấu thép GSB cho biết thêm, việc bị ảnh hưởng bởi tỷ giá là có song đối với DN của ông cũng có sự đan xen. Cụ thể, DN nhập khẩu nhiều nguyên liệu sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, nhưng DN cho DN nước ngoài thuê mặt bằng, nhà xưởng, nhà ở, xuất khẩu lớn sẽ hưởng lợi từ tỷ giá tăng. Do đó, tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi DN phải có giải pháp để thích nghi, ứng phó một cách phù hợp.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/bien-dong-ty-gia-cuoi-nam-ap-luc-nhung-khong-qua-lo-ngai-cac3aa5/