Tăng cung có kiểm soát để thu hẹp chênh lệch giá vàng

Bắt đầu từ tuần tới (3/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này trực tiếp bán lại cho người dân.

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đây giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát, nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng.

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng.

Thay vì đấu thầu vàng, NHNN chọn cách tăng cung vàng ra thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại nhà nước - “big 4” - để các ngân hàng này bán lại cho người dân. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp can thiệp thị trường vàng mới này?

Như tôi đã nói trước đó, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. Muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, phải phân tích đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp.

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là mất cân đối cung - cầu. Nhiều năm nay, NHNN không nhập khẩu vàng, tức nguồn cung chính thức không có. Những năm trước, cung vàng trong nước chủ yếu đến từ vàng nhập lậu. Tuy nhiên, trong năm 2023, Nhà nước đã thực hiện công tác chống buôn lậu rất hiệu quả, trong khi sức cầu lại tăng đột biến (do thị trường bất động sản suy thoái và lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục). Điều này dẫn tới nguồn cung khan hiếm, giá vàng bị đẩy lên cao, chênh lệch giá trong nước và thế giới ngày càng lớn.

Do vậy, vẫn cần phải giải quyết câu chuyện về nguồn cung một cách hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường. Việc NHNN nhập vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát.

Chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng (như nông, lâm, thủy sản) tạo ra giá trị thực dương về ngoại tệ, thì lấy một phần giá trị đó chuyển thành vàng, đáp ứng nhu cầu mua tài sản tích lũy của người dân cũng tốt. Với nền kinh tế, tích lũy vàng còn tốt hơn là tích lũy đất. Lý do là, đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế (giá đất tăng dẫn tới giá thuê đất tăng, khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài…). Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào.

Theo ông, mức giá mà NHNN bán cho nhóm “big 4” nên áp dụng ra sao, thì mới có thể kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới?

Hiện giá vàng miếng SJC trong nước đang ở mức trên 90 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 75 triệu đồng/lượng. Nếu NHNN bán cho nhóm “big 4” với giá tương đương giá thế giới, thì không thể đủ nguồn cung, vì ai cũng chen mua dù chưa có nhu cầu. Vì vậy, tôi cho rằng, NHNN sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bước giảm giá vàng Việt Nam phù hợp.

Chắc chắn, NHNN chỉ nhập một lượng vàng nhất định để tăng cung cho thị trường trong nước chứ không phải nhập khẩu khối lượng lớn đáp ứng toàn bộ cầu trong nước vốn phần nhiều có yếu tố đầu cơ. Do đó, chúng ta phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch nhất định và sẽ hạ dần theo thời gian khi lượng vàng được NHNN cung ra, cũng như người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi tiết kiệm, mua bất động sản, đầu tư sản xuất - kinh doanh… Theo tôi, sau một thời gian xử lý, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đưa về 2 - 4 triệu đồng/lượng là hợp lý.

Trong giai đoạn đầu can thiệp thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa thể giảm ngay. Điều quan trọng là phần chênh lệch này nằm trong tay Nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu. Dĩ nhiên, Nhà nước không chủ trương neo giá vàng cao so với giá thế giới để hưởng chênh lệch. NHNN thông qua bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại hạ dần chênh lệch giá vàng, giá thị trường hạ đến đâu, thì NHNN hạ giá bán vàng cho ngân hàng thương mại đến đó.

Ngoài giải pháp này, tôi cho rằng, giải pháp tăng cường thanh kiểm tra thị trường vàng đang tiến hành là rất hiệu quả. Điều này sẽ đảm bảo vàng giao dịch trên thị trường có nguồn gốc rõ ràng, ngăn chặn vàng lậu.

Theo ông, tại sao NHNN không bán vàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, mà lại bán vàng cho các ngân hàng thương mại, để các ngân hàng này bán lại cho người dân? Về lâu dài, có nên mở rộng đối tượng mua vàng từ NHNN sang các doanh nghiệp vàng?

Theo tôi, NHNN ngoài bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước, thì nên bán cho cả Công ty SJC một lượng nhất định. SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có kinh nghiệm kinh doanh vàng lâu đời, có dây chuyền gia công và mạng lưới kinh doanh vàng sâu rộng. Chúng ta đã rất thành công trong việc xây dựng nên một thương hiệu vàng quốc gia, không thể để thương hiệu này bị lu mờ.

Ngoài ra, NHNN cũng nên xem xét bán vàng cho các công ty chế tác có đơn hàng xuất khẩu nữ trang. Với các công ty này, phía ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp (doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu vàng, sau khi xuất khẩu thu ngoại tệ về sẽ trả lại cho ngân hàng).

Ông đánh giá thế nào về cầu vàng trong nước thời gian tới?

Giá vàng trong nước thời gian qua tăng mạnh chủ yếu do 2 nguyên nhân: một là, do giá vàng thế giới tăng; hai là, do chênh lệch cung - cầu. Trên thế giới, tình hình địa chính trị vẫn hết sức phức tạp, năm nay lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng nghĩa với nhiều yếu tố khó dự đoán, nên giá vàng có thể sẽ còn neo cao đến hết năm nay, sau đó sẽ chững lại.

Với thị trường trong nước, Việt Nam là một nền sản xuất nông nghiệp mới chuyển đổi, tâm lý tích trữ vàng vẫn còn khá nặng nề, nhất là với thế hệ 8x trở về trước. Với giới trẻ dưới 30 tuổi, thì nhu cầu đầu tư nhà đất nổi trội hơn nhu cầu tích lũy vàng. Nói cách khác, thế hệ “mê vàng” sẽ giảm dần, do đó cầu về vàng dần dần sẽ giảm.

Ngoài ra, nhìn về dài hạn, cầu vàng không thể mãi tăng, vì thị trường bất động sản rồi cũng sẽ phục hồi, người dân cuối cùng vẫn sẽ nhận thấy gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-cung-co-kiem-soat-de-thu-hep-chenh-lech-gia-vang-d216413.html