Biên giới tháng 4!

Tháng 4, nắng biên giới chan chát dội xuống những cánh đồng đang mùa thu hoạch lúa. Đất trời dù khắc nghiệt, nhưng đời sống người dân vẫn cứ hối hả với giọt mồ hôi để góp phần đổi thay miền đất đầu nguồn.

Những ngày này, 3 xã bờ đông của xứ đầu nguồn An Phú đang vào mùa thu hoạch lúa. Ở cái xứ cù lao này, cây lúa, cây bắp, cây ớt cứ thay nhau phủ lên mặt đất phù sa, bởi nguồn thu dù không mấy dư dả, nhưng cũng xem là ổn định cho nông dân. Dọc theo tuyến lộ chính đi qua trung tâm xã Vĩnh Lộc, đã thấy đời sống người dân khấm khá hơn qua những mái nhà khang trang.

Những năm mà chuyện “đi công ty” phổ biến từ đầu trên đến xóm dưới, dù làng quê vắng thưa người trẻ nhưng đời sống có phần khởi sắc. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà nuôi dự tính tích lũy đủ vốn sẽ về lại nơi “chôn nhau, cắt rốn” để phát triển kinh tế.

Dừng chân ghé lại chòi lá ven đường, nhấp ngụm nước mía ngọt thanh để lắng nghe câu chuyện của mấy lão nông bên chén “trà quạu” ban trưa. Nhận ra khách phương xa, Ba Đấu (người dân xã Vĩnh Lộc) xởi lởi: “Chú em ở xa tới chắc mới biết cái nắng xứ này! Không biết chỗ khác ra sao, chứ vùng giáp biên mấy tháng mùa khô nắng “hét” lắm. Muốn biết hạn nhiều hay ít, cứ nhìn cây ô môi. Năm nào bông trúng mùa thì y như rằng “hạn bà chằn”. Được cái, xứ này kênh rạch nhiều nên người ta có nước trồng lúa, trồng màu quanh năm, nhờ đó mà đời sống bớt vất vả hơn”.

Nói đoạn, Ba Đấu chỉ tay ra cánh đồng mênh mông trước mặt. Ông cho biết, mấy năm nay dân ở đây trồng bắp thay lúa nên nguồn thu cũng khá. Trước mắt tôi, những rẫy bắp đã vào mùa thu hoạch đang chờ bàn tay người hạ xuống. Theo lời Ba Đấu, nếu bắp có giá cũng mang đến lợi nhuận 3 - 4 triệu đồng/công. Với cây lúa, cũng đang vào vụ “đông ken”. Tiếng máy gặt đập liên hợp chạy ầm ầm ngoài ruộng xa xa, thấp thoáng bóng người đang hăng say lao động.

Lẫn trong làn gió, tôi ngửi được mùi của lu mắm nhà ai mới giở. Có lẽ, phải về đến cái xứ đầu nguồn này mới có thể nhìn thấy những lu mắm được ủ sẵn, chất thành hàng đặt ven đường đi. Trong không gian ấy, bỗng chốc ký ức của những ngày xưa cũ hiện về, khi bà tôi khệ nệ bưng thau cá hủn hỉn về ủ mắm thành từng lu để ngoài sân cho con cháu có ăn quanh năm. Hơn nữa, ở Phú Hữu, Vĩnh Lộc vẫn thấy những chiếc cầu tre bắc chênh vênh qua kênh, qua rạch để người đi đồng về đỡ công lội bộ đường xa. Có lẽ, không nhiều nơi còn giữ lại hình ảnh chân quê ấy như miệt đầu nguồn.

Cơ sở hạ tầng vùng biên giới Tân Châu đang được đầu tư khang trang

Cơ sở hạ tầng vùng biên giới Tân Châu đang được đầu tư khang trang

“Tiện đường, chú em đi qua luôn Phú Lộc, Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) cho biết. Hồi trước ngăn sông, cách đò, muốn đi cũng ngán. Bây giờ, cầu bắc thông thương, đi thoải mái. Sống ở đây đủ lâu mới thấy được sự đổi thay của miệt biên giới này. Hồi tui còn trẻ, mùa khô thì lội bộ, mùa nước phải bơi xuồng, muốn đi từ nhà nọ qua nhà kia đã khó nhọc. Bây giờ, từ An Phú qua Tân Châu chỉ mất mấy chục phút chạy xe, sướng lắm!” - Ba Đấu khề khà.

Theo lời Ba Đấu, tôi qua cầu Cỏ Lau thẳng hướng xã Phú Lộc. Nước kênh mùa này trong vắt, không gợn sóng. Phía xa xa, vài ngư dân đi đổ dớn mùa cạn. Họ chọn chỗ bùng binh rộng rãi dưới cầu Cỏ Lau để kiếm cá mưu sinh. Xứ đầu nguồn những tháng mùa khô vẫn có cá đồng lai rai, đủ làm mê mắt khách đường xa như tôi.

Sang đến địa phận vùng biên TX. Tân Châu, sự đổi thay còn rõ nét hơn. Những con đường nhựa thẳng tắp, những chuyến xe xuôi ngược chở hàng từ Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương - Kaorm Samnor đã mang theo sinh khí mới, tạo nên sự nhộn nhịp cho vùng đất biên viễn từng một thời được xem là cách trở, khó đi. Dọc tuyến bờ kè men theo sông Tiền, đã thấy những con tàu cỡ lớn thả neo chờ bốc giở hàng hóa. Hình ảnh đó cho thấy tiềm năng của vùng biên giới đang được khai thác hợp lý, trở thành động lực để TX. Tân Châu chuyển mình lên thành phố biên giới trong tương lai.

Một đoạn sông Tiền

Một đoạn sông Tiền

Trong chuyến hành trình, tôi ghé thăm một số di tích lịch sử cách mạng ở vùng biên giới Tân Châu, như: Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, chùa Núi Nổi… để tìm hiểu thêm về truyền thống anh hùng của người dân nơi đây. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng biên giới xa xôi này là chỗ dựa của những người chiến sĩ cộng sản kiên cường, dũng cảm lãnh đạo nhân dân chiến đấu với kẻ thù. Lịch sử vẫn còn lưu danh những cái tên Đạo Sáu, Năm Cọp, Chín Cọp, Hai Chẩm… những người đã không tiếc máu xương ủng hộ cách mạng và tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc...

Trở về khi nắng chiều đổ nghiêng qua những cánh đồng lúa chín, lòng người bỗng trở nên thư thái khi băng qua cầu Tân An lộng gió và ngắm nhìn làng bè lẩn khuất trong làn khói xa xăm. Những con đường mới mở đang khai thông “dòng chảy” kinh tế của miền biên giới, để hun đúc nên hình vóc của đô thị hiện đại nằm giữa đôi nhánh sông Hậu - sông Tiền. Trong tương lai, xứ đầu nguồn vẫn sẽ đi về giữa 2 mùa mưa nắng, nhưng đời sống của người dân đang dần khởi sắc theo những mùa lúa chín ngoài đồng, hay những chuyến hàng xuôi ngược ngoài sông.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bien-gioi-thang-4--a359821.html