Biên Hòa 1: Từ khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam đến khu đô thị hiện đại
Biên Hòa 1 (tỉnh Đồng Nai) là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam, nay sắp kết thúc sứ mệnh và được gấp rút di dời, nhường chỗ cho khu đô thị hiện đại hơn.
Biên Hòa 1, biểu tượng công nghiệp miền Nam
Ra đời vào năm 1963, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từng là biểu tượng phát triển kinh tế của miền Nam, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với đa dạng ngành nghề sản xuất từ cơ khí, hóa chất đến chế biến thực phẩm, nơi đây đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ hoạt động, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 dần bộc lộ những hạn chế như: Cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống xử lý môi trường lạc hậu và tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam.
Trước yêu cầu phát triển đô thị bền vững và bảo vệ môi trường sống, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định di dời các doanh nghiệp tại đây, mở đường cho một khu đô thị – thương mại – dịch vụ mới, hiện đại và xanh sạch hơn.
Đồng thời, việc này cũng góp phần phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Qua đó, giúp gia tăng sức hút đầu tư, biến Biên Hòa thành điểm đến lý tưởng cho các dự án kinh tế, xã hội.
Quyết định chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị mới không chỉ là giải pháp cho vấn đề môi trường, mà còn là bước đi chiến lược của tỉnh Đồng Nai trong định hướng phát triển bền vững. Không gian công nghiệp cũ sẽ nhường chỗ cho những khu dân cư hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất và công viên xanh mát, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đây được coi là cú hích mạnh mẽ, giúp Đồng Nai bứt phá và thay đổi diện mạo đô thị, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh trong việc xây dựng môi trường sống chất lượng, gắn liền với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Với quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân, Biên Hòa 1 hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng mới của sự phát triển bền vững, là niềm tự hào của Đồng Nai trên hành trình hiện đại hóa.
Tập trung gỡ vướng, tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng
Vừa qua, tại buổi họp với các sở, ban, ngành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà đã thông tin về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Tổ công tác đặc biệt). Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ chính là giúp UBND tỉnh cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời các doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Đồng thời, Tổ công tác có nhiệm vụ đề xuất các giải pháp hỗ trợ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, hỗ trợ UBND TP. Biên Hòa và các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện các thủ tục pháp lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh để sớm di dời các tổ chức, hộ gia đình ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
UBND tỉnh Đồng Nai xác định, việc giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh không thể thay đổi lộ trình và phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 25/8/2025 đối với khu đất đấu giá và khu dự kiến xây dựng Trung tâm Chính trị - hành chính của tỉnh. Trước 31/12/2025 đối với các khu đất còn lại.

Phần đất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sau khi di dời sẽ trở thành dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ.
Liên quan đến việc di dời các doanh nghiệp, từ ngày 5 đến 14/5/2025, UBND phường An Bình, TP. Biên Hòa đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tiến hành tháo dỡ, di dời tài sản đối với 26 trường hợp đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng. Qua đó, nâng tổng số hộ di dời tài sản, tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng đến nay đạt 88/100 trường hợp đã nhận tiền bồi thường. Hiện còn 12 trường hợp thuộc địa bàn khu phố 2 đang tiếp tục vận động tháo dỡ, di dời tài sản.
Đối với 255 trường hợp chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã ban hành thông báo và phối hợp với UBND phường An Bình làm việc trực tiếp với 67 trường hợp được bố trí và đã nhận đất tái định cư tại thực địa có trách nhiệm tháo dỡ, di dời tài sản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày 13/5.
Tại buổi kiểm tra gần đây, Bí thư Thành ủy TP. Biên Hòa Hồ Văn Nam yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo, đề ra giải pháp cụ thể cũng như đánh giá sát thực những khó khăn để tham mưu UBND thành phố về các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 1.
Trên cơ sở đó, thành phố sẽ có báo cáo, kiến nghị tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc song song với quá trình các đoàn công tác của thành phố tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, cũng như cơ quan thẩm quyền thực hiện công tác chuyên môn về hỗ trợ đền bù khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 được thành lập từ năm 1963, với tổng diện tích 335 ha, là nơi tập trung của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau.