Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện
Chính phủ đề xuất áp dụng quy định tại Điều 87 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 để xử lý đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán truy thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không thực hiện được do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể.

Quang cảnh Phiên họp. VPQH
Không tiếp tục thực hiện thu hồi đối với các kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước
Chiều 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2023.
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện Khoản 2.4.2 Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: “Xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị Kiểm toán nhà nước không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán NSNN năm 2023”; trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 15 Bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương, Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng theo quy định tại Điều 87 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 để xử lý đối với các kết luận, kiến nghị truy thu nộp NSNN nhưng không thực hiện được do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản, hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để thực hiện.
“Hồ sơ, thủ tục xử lý xóa nợ được thực hiện theo Điều 86 Luật Quản lý thuế. Về lâu dài, sẽ phải luật hóa trong Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Điều 87 Luật Quản lý thuế quy định:
(1) Đối với doanh nghiệp và tổ chức: Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp kiến nghị có giá trị trên 15 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với trường hợp kiến nghị có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với trường hợp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp dưới 05 tỷ đồng.
(2) Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia định, hộ kinh doanh: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép không tiếp tục thực hiện thu hồi đối với các kiến nghị giảm chi NSNN do chi sai quy định, thu hồi tạm ứng hoặc giảm trừ thanh toán vốn cho các dự án, nhưng không thực hiện được do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản, hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để thực hiện.
Giao Chính phủ quyết định xóa nợ phải thu đối với các khoản chi ngân sách trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với các khoản chi ngân sách địa phương.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ đề nghị giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp các trường hợp thuộc đối tượng được xóa nợ thu chi NSNN gửi KTNN, Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan Thanh tra là chủ thể ra kết luận, kiến nghị để rà soát, xác định đúng đối tượng.
KTNN luôn quan tâm thực hiện, thường xuyên theo dõi, cập nhật và có văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, do đó tỷ lệ thực hiện kiểm toán năm 2023 tiếp tục đạt tỷ lệ cao (83,35%). Đồng thời, KTNN phối hợp với Chính phủ nghiên cứu cơ chế xử lý chung các trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được các kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN đã tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tại Công văn số 325/KTNN-TH ngày 01/4/2025.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Đồng thời, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán. Trường hợp phát sinh khó khăn, bất khả kháng không thể thực hiện được các kết luận, kiến nghị của Thanh tra, KTNN thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý, không để tồn đọng kéo dài.
Xây dựng cơ chế, quy định để xử lý đồng bộ, toàn diện
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, các giải pháp đề xuất của Chính phủ chưa được Luật định (đang đề nghị cho áp dụng theo quy định tại Điều 87 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) là chưa đủ căn cứ, cơ sở pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo thẩm tra. Ảnh: VPQH
Ngoài ra, thông tin, số liệu Báo cáo của Chính phủ cũng chưa rõ đã tổng hợp đầy đủ số liệu kết luận, kiến nghị của KTNN đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện hay chưa.
Do đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi và các trường hợp bất khả kháng khác.
Đông thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với KTNN xây dựng cơ chế, quy định để xử lý đồng bộ, toàn diện đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác.
Việc xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác chưa được Luật định cần xây dựng Báo cáo riêng để báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan hoặc ban hành 01 Nghị quyết riêng đặc thù theo yêu cầu tại Nghị quyết số 141/2024/QH15 và kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý đặc thù đối với trường hợp này - Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị.
Đối với các kết luận, kiến nghị khác chưa thực hiện, có nhóm nguyên nhân thuộc về vướng mắc do cơ chế, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện hoặc đơn vị, cá nhân hoặc đang gặp khó khăn, chưa bố trí được nguồn hoàn trả chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 70,7% trong tổng số các kết luận, kiến nghị không có khả năng thực hiện).
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá thực trạng khó khăn, khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với nhóm nguyên nhân này trong thẩm quyền thu nộp NSNN theo quy định.